Ngay sau khi có thông tin Ngân hàng Xây dựng công bố gói tín dụng 50.000 tỉ, PV Seatimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đực - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành.
- Ngân hàng Xây dựng (VNCB) vừa phối hợp với Tập đoàn Thiên Thanh giới thiệu gói tín dụng hỗ trợ phát triển thị trường bất động sản trị giá 50.000 tỉ đồng. Ông có bình luận gì về sự kiện này?
Thực tế thì gói 50.000 tỉ không có gì mới, vì cách đây 2 năm, ông Trần Bắc Hà của BIDV đã từng phát động gói này, nhưng kết quả không tốt và không phát triển được. Bây giờ Ngân hàng Xây dựng lặp lại nhưng kết hợp với nhiều ngân hàng hơn.
Vấn đề quan trọng không phải là ý tưởng mà là phải làm sao thực hiện cho tốt. Tôi cũng rất mong gói 50.000 tỉ này sẽ được thực hiện tốt để giúp cho thị trường BĐS vượt qua khó khăn, bằng cách ngân hàng cho vay tiền thông qua những chi phí về xây dựng, vật liêu xây dựng.
- Xin ông cho biết, gói 50.000 tỉ vừa mới được tung ra thị trường có gì khác gói 30.000 tỉ?
Gói 30.000 tỉ và 50.000 tỉ khác nhau rất xa. Trong khi gói 30.000 tỉ là dành cho người dân mua sản phẩm nhà ở xã hội (NOXH), với diện tích nhỏ hơn 70m2 và cho DN đầu tư NOXH; thì gói 50.000 tỉ lại dành cho tất cả những DN nào có liên kết với đơn vị thi công, đơn vị vật liệu xây dựng trong cùng 1 nhóm, trong cùng 1 hệ thống của họ.
Thành ra nhiều DN vật liệu xây dựng hay nhiều DN thi công mà không cùng hệ thống này sẽ không được chọn và sẽ dẫn đến nhiều khả năng mức giá được đưa ra sẽ cao. Bởi vậy, mấu chót của gói 50.000 tỉ thành công hay không là ở chỗ giá vật liệu xây dựng, giá thi công phải rẻ, hoặc ít nhất là phải bằng với giá thị trường, để các DN trong nhóm có thể lựa chọn mà chi phí xây dựng lại thấp hơn thị trường bên ngoài.
- Từ thực tế gói 30.000 tỉ chưa đáp ứng được nguyện vọng của người dân đã khiến dư luận tỏ ra lo ngại hoặc nghi ngờ tín hiệu tích cực từ gói 50.000 tỉ này. Xin ông cho biết đánh giá của mình?
Tôi cho rằng nếu không có sự giám sát chặt chẽ gói 50.000 tỉ thì sẽ dẫn đến việc độc quyền thi công và độc quyền vật liệu xây dựng. Bởi vì các DN thuộc cùng một nhóm hay cùng một hệ thống với nhau mới được hưởng gói 50.000 tỉ, mới được mua vật liệu xây dựng hay thuê các đơn vị thi công trong nhóm này. Nếu như các đơn vị cung ứng vật liệu xây dựng và thi công đưa ra giá đắt hơn ngoài thị trường thì đồng nghĩa với việc độc quyền và gói này sẽ thất bại.
- Như vậy cũng có nghĩa là những DN không tham gia gói này sẽ bị cô lập, thưa ông?
Đúng như vậy, những DN không tham gia gói này sẽ bị đẩy ra xa. Vì vậy, các ngân hàng phải mở rộng, phải cho các đơn vị cung ứng vật liệu xây dựng và thi công tham gia gói này. Còn nếu chỉ bó hẹp ở một số đơn vị thì rất dễ dẫn đến lợi ích nhóm.
Khi một DN cần mua vật liệu xây dựng thì người ta sẽ phải cân nhắc nên mua ở đâu cho rẻ, hoặc hay cả đơn vị thi công cũng vậy, người ta phải cân nhắc đơn vị thi công nào rẻ. Còn đây, sẽ đóng khung một số công ty cung cấp vật liệu xây dựng, một số công ty thi công sẽ làm hạn chế sự lựa chọn của doanh nghiệp. Cho nên tôi vẫn muốn nhấn mạnh một lần nữa là phải làm sao giá vật liệu xây dựng, giá thi công rẻ hơn ngoài thị trường.
Xin cảm ơn ông!
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: