Câu chuyện 4 nhà máy xi măng gồm: Đồng Bành, Hạ Long, Cẩm Phả, Thái Nguyên rơi vào cảnh nợ nần do thua lỗ đang để lại bài học đắt giá cho cả ngành xi măng khi phát triển ồ ạt, xây dựng tràn lan mà không tính tới nhu cầu thực sự của thị trường.
Ồ ạt bảo lãnh vốn vay
Dầu khí rót vốn vào xi măng, công ty tài chính cũng đầu tư xi măng thì thua lỗ là điều khó tránh khỏi. Thế nhưng, Bộ Tài chính là cơ quan thay mặt Chính phủ đứng ra thẩm định dự án, thẩm định phương án bảo lãnh cũng phải chịu trách nhiệm khi tham mưu cho Chính phủ ký các quyết định này TS Lê Đăng Doanh - |
Trong số những “cánh chim đầu đàn” trên của ngành xi măng, thua lỗ nặng nề và nợ nhiều nhất là Nhà máy xi măng Đồng Bành (Lạng Sơn), do Công ty CP xi măng Đồng Bành (thuộc TCT cơ khí xây dựng COMA - Bộ Xây dựng) làm chủ đầu tư với mức sở hữu vốn hơn 80%. Dự án này có tổng mức đầu tư 1.298,2 tỉ đồng, công suất dự kiến 910.000 tấn/năm.
Khoản vay này được Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ ký Thư bảo lãnh cho Hợp đồng vay của Ngân hàng ANZ - chi nhánh Hà Nội, Ngân hàng Fortis Banque France SA và Ngân hàng Bangkok - chi nhánh TP.HCM. Theo số liệu được công khai, riêng khoản vay của ANZ là 747,850 tỉ đồng, vốn tự có của công ty hơn 300 tỉ đồng. Dự án dự kiến khởi công vào tháng 10.2006 và đi vào hoạt động cuối năm 2008, nhưng phải đến tháng 9.2010 mới cho ra sản phẩm. Tuy nhiên ngay trong năm 2011, nhà máy đã bị thua lỗ nặng, đến nay phải dừng hoạt động. Số lỗ theo báo cáo mới nhất tới hết quý 1/2012 gần 197 tỉ đồng. Trước đó, Bộ Tài chính đứng ra trả 3,5 triệu USD cho ANZ. Tuy nhiên, khoản này cũng chưa thấm vào đâu so với các món nợ phải trả cả gốc lẫn lãi trong 5 năm tới là trên 600 tỉ đồng.
Không chỉ có dự án Đồng Bành, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ từng cho biết, tổng mức bảo lãnh của Chính phủ cho các dự án xi măng tính đến khoảng cuối năm 2011 là 1,365 tỉ USD với 16 dự án. Trong đó, Đồng Bành 45 triệu USD; Xi măng Thái Nguyên 59 triệu USD (năm 2005); Xi măng Tam Điệp 133 triệu USD (năm 2000); Xi măng Hoàng Mai 145 triệu USD (năm 1998). Ngoài ra, theo tìm hiểu của Thanh Niên, một loạt dự án khác cũng được cấp bảo lãnh vào năm 2008 như dự án Xi măng Thăng Long 2 với hợp đồng vay của Ngân hàng BNP Paribas, Ngân hàng Societe Generale và ANZ. Dự án dây chuyền xi măng Hà Tiên 2, vay của Ngân hàng Calyon và ANZ…
|
Chính phủ “nai lưng” gánh nợ
Với mỗi dự án, Chính phủ nhận được 0,25% phí bảo lãnh trên tổng dư nợ vay, thế nhưng số phí nhỏ nhoi này không thể sánh được với khoản nợ chồng chất của doanh nghiệp (DN) hiện nay.
Hầu hết các khoản vay trên đều rơi vào tập đoàn, TCT nhà nước như: TCT COMA (Bộ Xây dựng) tại Nhà máy xi măng Đồng Bành, TCT công nghiệp xây dựng (Vinacoin, Bộ Công thương) - xi măng Thái Nguyên, hay Vinaconex tại xi măng Cẩm Phả… Và theo quy chế cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ đối với khoản vay nước ngoài, ban hành kèm Quyết định 272/2006/QĐ-TTg, với tất cả các khoản vay đã được bảo lãnh khi DN không thực hiện, thì người bảo lãnh sẽ thực hiện các nghĩa vụ đó.
|
Theo TS Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, tất cả lãi, nợ gốc, lãi suất phạt (nếu có) thì Bộ Tài chính phải trích từ Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài để trả thay cho DN. Dù có quy định DN phải có nghĩa vụ bồi hoàn cho Chính phủ các khoản tiền đã trả cùng với lãi và tất cả các chi phí phát sinh thực tế liên quan đến khoản vay, thế nhưng, trong bối cảnh các DN đang ngập trong nợ nần hiện nay thì hy vọng “đòi nợ” và quyền được bán tài sản thế chấp là dây chuyền công nghệ, nhà máy của Chính phủ là hết sức mong manh.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, đánh giá ngân sách đang phải hứng chịu thiệt đơn, thiệt kép do bảo lãnh cho vay các dự án này. Theo ông, sự ưu ái cho những dự án xi măng, thông qua việc cấp bảo lãnh “hào phóng” cho nhiều tập đoàn giai đoạn vừa qua, đặc biệt trong năm 2008, đã phải trả giá. “Trách nhiệm đầu tiên là của các tập đoàn, TCT mải mê chạy theo đầu tư ngoài ngành. Dầu khí rót vốn vào xi măng, công ty tài chính cũng đầu tư xi măng thì thua lỗ là điều khó tránh khỏi. Thế nhưng, Bộ Tài chính là cơ quan thay mặt Chính phủ đứng ra thẩm định dự án, thẩm định phương án bảo lãnh cũng phải chịu trách nhiệm khi tham mưu cho Chính phủ ký các quyết định này”, TS Doanh thẳng thắn nói.
|
Hệ lụy chưa dừng lại
Nhưng hệ lụy chưa dừng lại khi vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Văn Sơn đã ký Công văn số 1572 xin Thủ tướng cho phép COMA bán toàn bộ hơn 17 triệu cổ phiếu tương ứng hơn 171 tỉ đồng tại Nhà máy xi măng Đồng Bành cho Công ty TNHH Tập đoàn Hoàng Phát Vissai. Đồng thời, đề nghị Thủ tướng chấp thuận cho Hoàng Phát Vissai đứng ra trả nợ thay món vay ANZ cho Bộ Tài chính.
Đánh giá về kiến nghị này, TS Lê Đăng Doanh cho biết, có lẽ những nỗ lực cuối cùng để cứu vớt Đồng Bành đã không thể thực hiện. Bởi trước khi buộc phải bán vốn, thông qua đấu giá cổ phiếu của COMA tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã không có bất cứ ai, hay DN nào thèm ngó ngàng đến. Nhưng, nhìn ở khía cạnh lạc quan, theo TS Doanh, dù có bán được, có đơn vị tư nhân đứng ra gánh nợ hộ thì phần thiệt hại quá lớn cũng đã thuộc về nhà nước khi DN thua lỗ, mất vốn, bao nhiêu công sức đầu tư cũng đổ sông, đổ biển. “Đó là bài học quá đắt cho chủ trương đầu tư thiếu đúng đắn của chúng ta”, ông nói.
Tình trạng thua lỗ chưa dừng lại Ông Nguyễn Văn Điệp (Hiệp hội Xi măng), cho biết tình hình các DN ngành xi măng đang ngày càng khó khăn, nợ ngân hàng lãi suất cao không thể trả nổi, riêng Xi măng Đồng Bành khó có thể cứu vãn. Ông cũng cho rằng, để dẫn tới hậu quả ngày hôm nay, nguyên nhân do suy giảm kinh tế, nhưng cũng có phần không nhỏ vì ưu ái trong đầu tư, quy hoạch chưa bám sát thực tiễn. Hiệp hội Xi măng cũng đang kiến nghị Chính phủ giãn các khoản nợ vay, có phương án xử lý nợ cho các thành viên của mình. “Nếu không khoanh được nợ, giãn nợ, kích cầu cho ngành xi măng thì chắc chắn nhiều DN sẽ còn phải dừng hoạt động, và không thể trả được”, ông Điệp nói. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: