“Thời hạn sử dụng đất nông nghiệp ít nhất 50 năm; mở rộng hạn điền hoặc bỏ luôn quy định về hạn điền” - đó là ý kiến chung của các nông dân lẫn chính quyền địa phương tham gia hội thảo về Tổng hợp kết quả tham vấn cộng đồng về dự thảo Luật Đất đai, tổ chức tại tỉnh Long An ngày 31-1.
Chỉ được thế chấp 3 ha
“Luật Đất đai 1993 quy định thời hạn sử dụng đất nông nghiệp là 20 năm. Tới năm 2013 đã hết thời hạn nên các quyền của người nông dân như thế chấp, chuyển nhượng rất khó khăn” - nông dân Nguyễn Thành Tư, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa phản ánh.
Đại diện xã Thạnh Trị, huyện Mộc Hóa cũng cho hay người dân đang rất lo lắng về việc đất nông nghiệp bị hết thời hạn. “Đề nghị tăng thời hạn này lên 50 năm để nông dân an tâm đầu tư sản xuất do đa số đều vay ngân hàng” - ông bày tỏ.
Về hạn điền, vị này cho rằng theo Luật Đất đai chỉ được tối đa 3 ha đất nông nghiệp là quá ít. “Không ít người dân trong tỉnh đã khai hoang trước năm 1993, giờ họ có trên 20 ha đất. Tuy nhiên, khi thế chấp thì chỉ được tính cho 3 ha do phần còn lại bị đóng dấu vượt hạn điền” - ông cho hay. Theo ông, nên mở rộng hoặc bỏ luôn quy định về hạn điền.
Nông dân sẽ an tâm sản xuất khi tăng thời hạn sử dụng đất nông nghiệp. Ảnh: HTD
Đại diện Sở TN&MT tỉnh Long An cho rằng đặc thù ở miền Nam là đất do cha mẹ, ông bà khai hoang và để lại từ xưa đến nay, không phải do được Nhà nước phân chia. “Nếu khống chế hạn điền là 3 ha thì số còn lại có quốc hữu hóa không? Diện tích vượt hạn điền phải chuyển sang thuê đất khiến người dân bức xúc. Cần mở rộng hạn điền để phát triển nông trang, nông trại quy mô lớn” - vị này bày tỏ.
TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, cho hay trong quá trình lấy ý kiến các địa phương, ông nhận thấy giữa các vùng miền có ý kiến rất khác nhau về thời hạn sử dụng đất. “Miền Nam thì muốn kéo dài thời hạn sử dụng đất, thậm chí cần được giao lâu dài. Nhưng miền Bắc và miền Trung lại đề nghị giảm xuống 10 năm vì cho rằng nếu quá dài hoặc giao hẳn thì đời con cháu sau này sẽ không còn đất sử dụng” - ông Thảo nói.
Cho dân tham gia quá trình lập quy hoạch
Nông dân Nguyễn Thành Tư kiến nghị phải cho người dân tham gia ngay từ đầu trong quá trình lập quy hoạch. “Hiện nay chủ đầu tư chọn địa điểm rồi thỏa thuận với chính quyền. Khi người dân biết có dự án tại đó là mọi việc gần như xong xuôi” - ông Tư bày tỏ. Ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An, góp ý thêm: Cho dân tham gia là để họ góp ý, trình bày nguyện vọng của mình trước khi Nhà nước quyết định. Nếu Nhà nước quyết định khác với ý nguyện người dân thì cần giải thích rõ lý do tại sao, thông báo công khai cho họ.
Nông dân Đặng Minh Lũy, thị trấn Mộc Hóa, huyện Mộc Hóa cho rằng bức xúc nhất của dân hiện nay là áp giá bồi thường không thỏa đáng và chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư thiếu nhất quán. “Dự án khu dân cư ao lục bình vượt lũ có chỗ thì bồi thường 20.000 đồng, có chỗ là 300.000 đồng/m2 dù cùng một khu vực. Dự án kéo dài từ năm 2003 đến năm 2010 mới bắt đầu triển khai và bán nền tái định cư với giá hàng trăm triệu đồng, người dân không mua nổi” - ông Lũy bày tỏ.
Kết thúc buổi tham vấn, ông Thảo cho rằng việc mọi người dân đều được tham gia góp ý kiến cho Luật Đất đai sửa đổi là rất cần thiết. “Tất cả ý kiến góp ý của các địa phương sẽ được tập hợp và gửi đến các đại biểu trong quá trình soạn thảo, sửa đổi Luật Đất đai” - ông khẳng định.
Chương trình tham vấn cộng đồng về sửa đổi Luật Đất đai do Viện Nghiên cứu lập pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Tổ chức Oxfam phối hợp thực hiện. Chương trình đã được tổ chức tại một số tỉnh như Hòa Bình, Quảng Bình, Yên Bái. Sau Long An, tỉnh tiếp theo thực hiện tham vấn cộng đồng là An Giang. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: