Sáng 7/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bất ngờ điều chỉnh tỷ giá với biên độ tăng thêm 1%. Sau vài phiên giao dịch các ngân hàng thương mại tăng giá bán đồng USD lên kịch trần.
PV đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng - ngay sau động thái được cho là khá mạnh tay để ổn định thị trường ngoại hối của cơ quan điều hành.
TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng: Giải pháp "làm nguội" thị trường của NHNN là cần thiết trong lúc này, vì nếu không rủi ro từ việc tỷ giá tăng "nóng" với nền kinh tế là rất lớn
Ông có bất ngờ trước động thái nới biên độ tỷ giá thêm 1% của NHNN nhằm bình ổn lại thị trường ngoại tệ sau vài ngày "dậy sóng" vừa qua?
Tôi khá bất ngờ về động thái này của NHNN, vì chỉ cách đây vài ngày thôi NHNN vẫn kiên định mục tiêu điều hành sẽ điều chỉnh không quá 2% tỷ giá trong năm 2015 và có vẻ kiên quyết không điều chỉnh tỷ giá trong lúc này. Nhưng với động thái nới thêm biên độ 1% vào ngày 7/5 thì đồng nghĩa “room” điều chỉnh 2% đã hết.
Hơn nữa, mức điều chỉnh tỷ giá lần này của NHNN còn hơn cả mức các chuyên gia và cả bản thân tôi đề xuất, chỉ cần điều chỉnh thêm 0,5% trong lúc này. Dù bất ngờ song tôi cũng hoan nghênh quyết định kịp thời mà NHNN đưa ra, vì nếu không hệ lụy đối với nền kinh tế sẽ rất lớn.
Ông vừa đề cập tới chuyện nếu NHNN không kịp thời ra tay điều chỉnh tỷ giá lúc này sẽ là rủi ro lớn cho nền kinh tế. Vậy cụ thể hệ lụy đó là gì, thưa ông?
Thứ nhất, nếu không điều chỉnh tỷ giá lúc này NHNN sẽ phải “gánh” chi phí cơ hội rất lớn khi các NHTM, nhà đầu cơ mua gom USD giá rẻ tại NHNN rồi đem ra thị trường tự do bán với giá cao để hưởng chênh lệch. Như vậy, giới đầu cơ sẽ trục lợi, “ăn trên lưng” của NHNN.
Nếu không điều chỉnh, giá đồng bạc xanh sẽ ngày càng tăng trên thị trường tự do và như thế cơ quan quản lý sẽ càng thiệt hại. Trong khi ở chiều ngược lại, NHNN cũng cần bổ sung nguồn dự trữ ngoại hối. Nếu vẫn giữ giá đồng USD thấp thì chẳng ai dại gì bán cho NHNN, mà sẽ chạy ra ngoài thị trường tự do bán với giá cao hơn để được lời lớn hơn.
Do đó, đây là tình huống bắt buộc mà NHNN phải làm trong lúc này, vừa để bình ổn thị trường, trấn an tâm lý, vừa giúp NHNN mua được ngoại tệ để bổ sung nguồn dự trữ ngoại hối.
Còn về phía kinh tế vĩ mô, việc tăng thêm tỷ giá sẽ khiến hàng hóa nhập khẩu tăng lên. Cùng với đó, nợ công của Việt Nam tính bằng VND cũng sẽ tăng và ảnh hưởng phần nào tới niềm tin của dân chúng vào tiền đồng. Ngoài ra, tăng tỷ giá cũng sẽ ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất hiện nay. Chưa kể, việc điều chỉnh tỷ giá cũng sẽ tác động tới lạm phát, vì theo tính toán tỷ giá điều chỉnh thêm 1% thì sẽ khiến lạm phát tăng 0,2%.
Điều nhiều doanh nghiệp lâu nay trông chờ là lãi suất cho vay sẽ giảm thêm. Tuy nhiên, như ông vừa nói tăng tỷ giá sẽ ảnh hưởng tới lãi suất. Cụ thể, mức độ ảnh hưởng sẽ ra sao?
Hiện, khoảng cách chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi bằng VND và USD khoảng đâu đó trên 5%, song tỷ giá tăng mạnh thì người gửi tiền sẽ có khuynh hướng rút tiền đồng, đổi sang USD để gửi ngân hàng. Do đó, để tránh “mất máu” trên kỳ hạn tiền gửi bằng VND, các ngân hàng sẽ phải cân nhắc tăng lãi suất tiền đồng để giữ chân khách hàng. Như vậy, khi lãi suất đầu vào tăng thì lãi suất đầu ra sẽ tăng theo.
Do đó, động thái điều chỉnh tỷ giá thêm 1% của NHNN có thể sẽ ảnh hưởng tới lãi suất, song đây cũng chỉ là giả định sẽ xảy ra trong dài hạn.
Cùng với việc nới room tỷ giá thêm 1% vào ngày 7/5, đồng nghĩa “lời hứa” sẽ điều chỉnh tỷ giá không quá 2% trong năm nay của Thống đốc NHNN đã bị phá vỡ?
Đúng vậy, hiện mới là giữa năm 2015 nhưng tổng cộng qua 2 lần điều chỉnh tăng tỷ giá từ đầu năm tới nay, thì mức điều chỉnh đã là 2% - bằng với mức mà NHNN cam kết. Đáng lý, NHNN không nên cam kết “cứng”, vì tình hình tiền tệ thế giới biến động rất lớn, mà chỉ nên đưa ra định hướng điều hành. Bởi khi đưa ra chỉ tiêu cam kết như “viết vào đá” rồi lại không thực hiện được, thì người dân lại cảm thấy thất vọng, mất niềm tin…
Liệu từ nay tới cuối năm có còn tái diễn cảnh tỷ giá “sốt nóng” như thời gian qua, thưa ông?
Từ nay tới cuối năm, tôi cho rằng, tỷ giá sẽ còn biến động vì kinh tế trong nước phục hồi, chúng ta sẽ cần phải nhập khẩu nhiều hơn, nhu cầu ngoại tệ vì thế sẽ tăng. Chưa kể đồng đô la Mỹ sẽ ngày càng tăng giá trên thị trường tiền tệ thế giới, nhất là nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất USD vào giữa năm nay.
Một yếu tố nữa cũng sẽ gây áp lực cho tỷ giá, là nhu cầu cần ngoại tệ của Chính phủ Việt Nam để trả nợ nước ngoài qua 2 động thái gần đây: phát hành 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ và đề xuất vay ngoại tệ từ nguồn dự trữ ngoại hối của NHNN.
Nhưng ít nhất trong lúc này động thái “làm nguội” tỷ giá của NHNN để thị trường quân bình trở lại là cần thiết, hợp lý.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: