Ảnh minh họa
Cụ thể, dự án điện gió ven biển V1 thuộc vùng biển huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận có diện tích khảo sát khoảng 1.060,09ha, công suất dự kiến phát triển khoảng 200 MW.
Dự án điện gió ven biển V3 thuộc vùng biển huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận có diện tích khảo sát khoảng 912,74ha, công suất khoảng 180MW.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh yêu cầu về năng lực tài chính, nhà đầu tư có tài liệu chứng minh năng lực tài chính theo số vốn đăng ký đầu tư. Đối với nguồn vốn tự có: vốn thuộc sở hữu của nhà đầu tư để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đề xuất (chứng minh bằng báo cáo tài chính được kiểm toán/quyết toán thuế 2 năm gần nhất hoặc xác nhận số dư tài khoản ngân hàng tại thời điểm nộp hồ sơ); trường hợp nhà đầu tư liên doanh thì tỷ lệ vốn thuộc sở hữu của các thành viên liên doanh không được thấp hơn 30% vốn góp của liên doanh để thực hiện dự án.
Về năng lực kinh nghiệm, nhà đầu tư tham gia đầu tư trực tiếp hoặc nhà đầu tư là thành viên trong liên doanh phải có năng lực kinh nghiệm phù hợp để triển khai dự án, được chứng minh bằng tài liệu đã đầu tư các dự án năng lượng tái tạo có tổng quy mô tương đương 70% trở lên so với công suất dự án đăng ký.
Nhà đầu tư phải cam kết chịu mọi chi phí liên quan trong quá trình nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ bổ sung quy hoạch và không khiếu nại tỉnh trong trường hợp dự án không được bổ sung quy hoạch phát triển điện lực. Khuyến khích các nhà đầu tư có kinh nghiệm triển khai dự án điện gió biển và đóng góp an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh nhiều hơn.
Với lợi thế có bờ biển dài, lượng gió thổi đều quanh năm, Ninh Thuận được đánh giá có tiềm năng phát triển điện gió và điện khí LNG, nhất là điện gió ven biển.
Tính riêng năm 2020, Ninh Thuận có 42 dự án năng lượng đã hòa lưới điện (3 dự án điện gió, 32 dự án mặt trời, 7 dự án thủy điện), với sản lượng khoảng 4.000 triệu kWh/2.727,6MW. Các nguồn năng lượng này tạo ra giá trị gia tăng hơn 2.766 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13,7% trong GRDP của tỉnh và đóng góp cho tăng trưởng chung 9,04% trong tổng số 12,17% GRDP của tỉnh.
Về điện gió, đến nay tổng công suất đưa vào vận hành khoảng 229MW. Trong đó, có 3 dự án vận hành thương mại với tổng công suất 181 MW.
Với tiềm năng phát triển cảng nước sâu, cảng tổng hợp Cà Ná thuận lợi để phát triển khu vực trung tâm điện khí LNG với quy mô công suất 6.000MW. Đặc biệt, năm 2020 Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, với công suất khoảng 1.500 MW vào quy hoạch điện VII điều chỉnh tiến độ vận hành năm 2025.
Nhằm tạo định hướng phát triển cho điện gió trên biển, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, dự thảo quy hoạch phát triển điện gió biển tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, dự kiến đến năm 2030 sẽ phát triển 15 vị trí, giai đoạn 2021-2025 phát triển tại 4 vị trí với quy mô 1.220MW, giai đoạn 2026-2030 tiếp tục phát triển thêm 11 vị trí với quy mô công suất tăng thêm 3.160MW.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam thực hiện khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch tại 1/15 vị trí thuộc vùng biển xã Phước Dinh (Thuận Nam) V2-1 với công suất 502MW. Hiện nay, UBND tỉnh đang giao Sở Công Thương tiến hành lấy ý kiến các bộ, ngành Trung ương để làm rõ ranh giới khai thác, yêu cầu về an ninh quốc phòng khi triển khai đối với 14 vị trí còn lại, làm cơ sở kêu gọi đầu tư trong thời gian tới.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: