Sông Cổ Cò giáp ranh giữa Đà Nẵng và Quảng Nam. Phía bên Đà Nẵng đã quy hoạch đô thị với những dự án lớn, còn phía Quảng Nam vẫn đang là những dự án phân lô, bán nền thiếu quy hoạch đồng bộ
Trên hình ảnh 3D và clip quay từ flycam, một số đoạn mặt sông Cổ Cò qua thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) lung linh và lãng mạn. Nhưng, len lỏi qua những thửa ruộng đất pha cát, chèo thuyền ra giữa dòng sông để trải nghiệm mới thấy, sông Cổ Cò đang xơ xác và nham nhở bởi những dự án bất động sản quy hoạch kiểu “da beo”.
Mắc kẹt giữa đô thị… đất nền
Chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, ở nhiều cánh đồng khác, rau và hoa đã lên xanh, nhưng đến giờ, ông Huỳnh Bán (khu phố Viêm Đông, phường Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam) mới dùng máy bơm hút nước, cố tát cạn nước trên những sào đất nhà mình.
“Xu hướng hiện nay là chỗ nào có bờ sông, bờ biển, thì cũng hình thành Dự án bất động sản. Vấn đề đặt ra là, quy hoạch phải đồng bộ, tránh tình trạng manh mún, cát cứ mỗi công ty một Dự án bám sát hai bên sông, Dự án nào cũng có phân lô bán nền, xây nhà thương mại sẵn, sẽ thiếu bản sắc”.
- Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D Công ty DKRA Vietnam
“Nước ngập hết, nên không thể trồng rau, mấy dự án đô thị chắn hết lối thoát nước rồi. Chúng tôi làm đơn biết bao nhiêu lần, gửi chính quyền địa phương, gửi cả chủ đầu tư đề nghị nạo vét để khơi dòng cho nước thoát, nhưng vẫn bặt vô âm tín”, ông Bán than thở.
Gia đình ông Bán và hàng chục hộ nông dân khác ở Viêm Đông đã canh tác rất nhiều năm trên cánh đồng Mã Vôi. Nhưng khi đồng ruộng bắt đầu bị lấp, xe ủi đến san nền, nhựa bê tông được thảm, trụ điện dựng lên, lô nền được chia cắt gọn gàng, thì những cánh đồng lân cận bị ngập nước. Không thể trồng rau, canh tác, đồng nghĩa người nông dân bị mất thu nhập.
Những năm qua, nhiều dự án đô thị được triển khai rầm rộ dọc tuyến sống Cổ Cò trên địa phận thị xã Điện Bàn. Đô thị hóa diễn ra nhanh, nhiều hộ nông dân bị thu hẹp diện tích đất sản xuất, phải bám vào thửa ruộng còn sót lại. Tuy nhiên, những khu đô thị được xây dựng theo kiểu “da beo”, mỗi chủ đầu tư triển khai tại một khu vực, không có sự đồng bộ.
“Cống của các khu đô thị chưa khớp nối, nên nước cứ đổ hết ra cánh đồng, chúng tôi chẳng trồng gì được. Dự án khơi thông sông Cổ Cò, năm nào tôi cũng nghe mà vẫn chưa… thông”, ông Bán ngao ngán nhìn những dự án phân lô bán nền bao vây xung quanh.
Kể từ khi Dự án Cocobay của Tập đoàn Thành Đô bắt đầu hình thành, cùng với thông tin về việc khơi thông dòng sông Cổ Cò, hàng loạt dự án bất động sản dọc tuyến sông này đã được phê duyệt quy hoạch 1/500. Việc phát triển nóng các dự án đô thị đã dẫn đến nhiều hệ lụy, gây ra tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, khiến khu vực này trở thành điểm nóng pháp lý.
Điển hình, năm 2019, gần 1.000 khách hàng mua đất tại 3 dự án của Công ty Bách Đạt An là Bách Đạt 1, Khu đô thị 7B mở rộng và Khu đô thị Hera Complex Riverside đã tập trung trước trụ sở UBND tỉnh Quảng Nam để cầu cứu lãnh đạo tỉnh này, bởi đã đầu tư hàng tỷ đồng, nhưng không được cấp sổ đỏ như hứa hẹn.
Tranh chấp được đưa ra Tòa án Nhân dân TP. Đà Nẵng. Án đã được tuyên, nhưng đến nay, quyền lợi của khách hàng vẫn bị “treo”, chưa biết đến bao giờ mới được nhận đất.
Không riêng Công ty Bách Đạt An, tại khu vực ven sông Cổ Cò, nhiều chủ đầu tư khác đã “bán lúa non” dự án; xây dựng biệt thự vi phạm pháp luật, như trường hợp của Dana Homeland. Thậm chí, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam đã công khai danh tính 70 dự án chưa đủ điều kiện mở bán để nhà đầu tư và người dân nắm rõ thông tin, tránh xảy ra khiếu kiện như thời gian qua.
Quy hoạch theo hướng nào?
Danh sách 70 dự án chưa đủ điều kiện mở bán mà Sở Xây dựng Quảng Nam “điểm danh” bao gồm các dự án chưa được khớp nối quy hoạch, quy hoạch không đồng bộ hoặc quy hoạch dự án chưa đáp ứng quy hoạch chung. Thậm chí, có những dự án chưa được giao đất, chưa được duyệt giá đất, nhưng đã được mua đi - bán lại vài chục lần, khiến bức tranh thị trường kinh doanh bất động sản khu vực Nam Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam trở nên lộn xộn.
Về vấn đề quy hoạch, để tiếp tục tạo ra quỹ đất hai bên sông Cổ Cò, hướng đến quy hoạch đô thị bài bản và tạo ra sản phẩm du lịch mới thông qua tuyến sông Cổ Cò, tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng đã cùng ngồi lại với nhau nhiều lần, thể hiện quyết tâm thực hiện dự án. Tuy nhiên, mãi đến đầu tháng 12/2020, Dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò mới chính thức được khởi động với chiều dài hơn 14 km từ TP. Hội An đến phường Điện Dương (Điện Bàn).
Tiềm năng của khu vực hai bên sông Cổ Cò thực sự được đánh thức tới đâu, thì còn… chờ thời gian trả lời. Nhưng, vấn đề được các chuyên gia, nhà đầu tư băn khoăn nhất hiện nay chính là tình trạng các dự án đầu tư gần như đã băm nát hai bên bờ sông. Vậy khi sông Cổ Cò được khơi thông, sẽ đóng góp như thế nào vào chiến lược quy hoạch đô thị và xây dựng các đô thị ven sông, hay chỉ đảm bảo mỗi chức năng là tuyến du lịch đường sông, vì quỹ đất hai bên sông đến giờ này gần như đã được các dự án bất động sản phân lô, bán nền?
Tại Hội thảo “Khơi thông sông Cổ Cò: Đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam - Đà Nẵng” do UBND tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng tổ chức hôm 10/1/2021, GS-TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng cần phải có kỷ cương rất chặt chẽ trong việc phát triển đô thị và thực hiện quy hoạch khi khơi thông sông Cổ Cò.
Nhấn mạnh từ ý tưởng khơi thông cho đến thực hiện và hoàn thành trên thực tế là câu chuyện lớn, GS-TSKH. Đặng Hùng Võ đề xuất tổ chức một cuộc thi tạo dựng cảnh quan thiên nhiên ven sông Cổ Cò, để việc khơi thông sông Cổ Cò mới mang lại giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh đó, theo GS-TSKH. Đặng Hùng Võ, các dự án bất động sản ven sông Cổ Cò hiện nay buộc phải xây dựng theo kiến trúc được quy định. Tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng có thể đưa ra quy định về thời hạn các dự án phân lô, bán nền ven sông phải hoàn thành, các chủ đầu tư các dự án phải xây dựng theo đúng theo thiết kế được phê duyệt. Nếu không làm được điều đó, thì Nhà nước có thể trưng thu.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: