Nằm trên khu đất “vàng”, ngay trục đường lớn Hàm Nghi – Tôn Đức Thắng – Võ Văn Kiệt (quận1), dự án Saigon One Tower vẫn đang là khối nhà dang dở, là nỗi khắc khoải của cả người dân lẫn chính quyền thành phố suốt nhiều năm qua.
Dự án này trước đây do Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C làm chủ đầu tư, là liên doanh giữa Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), Công ty cổ phần M&C, Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á và Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á.
Dự án được xây dựng trên khu đất có diện tích 6.672m2, bao gồm một khối bệ làm trung tâm thương mại dịch vụ cao 6 tầng (diện tích 23.000 m2), một khối văn phòng cao 34 tầng (diện tích 49.000 m2) và khối căn hộ gồm 133 căn hộ cao cấp, cùng các dịch vụ tiện ích khác.
Saigon One Tower được khởi công năm 2009 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2011. Với tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ (238 triệu USD), sau khi hoàn thành Saigon One Tower sẽ là tòa nhà cao thứ 3 tại TP.HCM, xếp sau Bitexco Financial Tower 68 tầng và The One 55 tầng. Thế nhưng khi công trình đã hoàn thiện khoảng 80% thì dự án bị ngưng thi công và nằm phơi sương nắng cho tới nay.
Giữa năm 2017, Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VN (VAMC) tiến hành thu giữ dự án làm tài sản đảm bảo cho khoản nợ xấu hơn 7.000 tỉ đồng. Năm 2018, VAMC thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá dự án Sài Gòn One Tower với mức khởi điểm là 6.110 tỉ đồng.
Cuối năm 2020, trên thị trường xuất hiện thông tin đồn thổi rằng dự án đã được một đại gia bất động sản mua lại và sớm tái khởi động. Tuy nhiên, đến nay chưa có thông tin nào chính thức, dự án vẫn tiếp tục “trùm mền”.
Nằm trên mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ - con đường lớn nhất nối trung tâm thành phố với khu Nam, liền kề khu đô thị hiện đại sầm uất Phú Mỹ Hưng, dự án Kenton Residences từng được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những biểu tượng của khu vực này.
Dự án do Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên (Công ty Tài Nguyên) làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ năm 2009. Tổng vốn đầu tư cho dự án này là 300 triệu USD, được dự kiến hoàn thành vào năm 2011.
Tuy nhiên, khi các khối nhà bước vào giai đoạn hoàn thiện xây dựng phần thô thì dự án đột ngột ngừng thi công. Từ đó, dự án nằm bất động suốt nhiều năm tiếp theo.
Sau nhiều nỗ lực, năm 2017 chủ đầu tư đã chính thức công bố tái khởi động dự án với tên gọi mới là Kenton Node. Được biết, Công ty Tài Nguyên đã được các ngân hàng BIDV, MaritimeBank bổ sung hơn 1.060 tỷ đồng để hồi sinh dự án này.
Tuy nhiên, tháng 4/2020, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Sở giao dịch 2 vừa thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên.
Cụ thể, tài sản đấu giá gồm toàn bộ nợ gốc, lãi phát sinh tại thời điểm bán đấu giá, tạm tính đến ngày 29/3 là hơn 4.063 tỉ đồng. Tài sản thế chấp của khoản nợ là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton, Xã Phước Kiển, Huyện Nhà Bè, TP.HCM. Tài sản này được đồng thế chấp tại BIDV, MSB, PVCombank, trong đó BIDV chiếm 58% giá trị tài sản.
Giá trị định giá tài sản là hơn 7.836 tỉ đồng, trong đó tài sản bảo đảm được phân chia, hạch toán tại BIDV hơn 4.545 tỉ đồng.
Nằm mặt tiền đường Huỳnh Tấn Phát (phường Phú Thuận, quận 7, TP.HCM) dự án chung cư Hưng Long gây ám ảnh cho người qua lại bởi những tòa nhà khổng lồ xám xịt, u ám xây dựng dang dở và bị bỏ hoang suốt nhiều năm qua.
Dự án này do Công ty Vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại (BMC) làm chủ đầu tư. Đây là một doanh nghiệp Nhà nước hạng 1, trực thuộc Bộ Công Thương được thành lập từ năm 1957. Doanh nghiệp này đã và đang phát triển nhiều dự án bất động sản khắp cả nước như dự án căn hộ BMC Lũy Bán Bích quận Tân Phú, cao ốc căn hộ BMC tại số 422 Đại Lộ Võ Văn Kiệt, 2 dự án khu công nghiệp ở Cần Thơ, Dự án BMC Vinh Plaza ở phường Quán Bàu, TP Vinh, Dự án BMC Cửa Lò Plaza…
Dự án chung cư Hưng Long được BCM được khởi công xây dựng từ năm 2011 trên khu đất có diện tích 19.639m2 bao gồm 5 khối nhà (2 khối cao 22 tầng, 3 khối cao 25 tầng) và 5 căn biệt thự. Ban đầu, dự án là tài sản thế chấp cho khoản vay tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank). Sau đó, TinNghiaBank được hợp nhất với Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank) và SCB, dự án trở thành tài sản thế chấp tại ngân hàng SCB – chi nhánh Bến Thành.
Năm 2020, tài sản này từng được nhà băng rao bán với giá khởi điểm là 2.530 tỉ đồng gồm giá trị quyền sử dụng đất là 2.130 tỷ đồng và giá trị công trình xây dựng khoảng 400 tỷ đồng nhưng không tìm được người mua. Gần đây nhất, SCB tiếp tục thông báo bán đấu giá dự án này với mức giá khởi điểm rẻ hơn là hơn 2.300 tỉ đồng, trong đó giá trị quyền sử dụng đất 1.981 tỉ đồng và giá trị công trình xây dựng hơn 371 tỉ đồng.
Thời gian gần đây, xu hướng rao bán đấu giá, thanh lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ của các ngân hàng thương mại diễn ra mạnh mẽ. Phần lớn tài sản bán đấu giá là các khoản nợ được đảm bảo bằng bất động sản. Tuy nhiên, nhiều khoản nợ dù rao bán nhiều lần vẫn không tìm được người mua. Theo nhiều chuyên gia, việc bán đấu giá tài sản, khoản nợ của ngân hàng gặp khó khăn có nhiều nguyên nhân vì giá bán, thủ tục quá rườm rà mất thời gian và tính minh bạch pháp lý của khoản nợ không rõ ràng. Không ít trường hợp cá nhân, tổ chức mua được tài sản đấu giá vẫn không thực hiện được thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận vì người có tài sản khởi kiện liên quan đến tài sản đấu giá, hoặc tranh chấp khác liên quan đến tài sản đem đấu giá. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: