Các tỉnh thành công bố bảng giá đất mới
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 96/2019/NĐ-CP quy định về khung giá đất. Trên cơ sở này, các tỉnh sẽ xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất áp dụng trong 5 năm tới 2020-2024 với mức tăng chung khoảng 20% so với giai đoạn 2015-2019.
Bảng giá đất được sử dụng làm căn cứ tính tiền và thuế sử dụng đất, tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, và để tính tiền trả cho người tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước...
Theo Khoản 1 Điều 114 Luật Đất đai 2013, từ ngày 1/1/2020, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải công khai bảng giá đất mới của địa phương. Hiện tại, nhiều tỉnh thành đã công bố bảng giá đất mới. Hà Nội đã thông qua tờ trình các loại giá đất trên địa bàn, áp dụng từ tháng 1/2020 đến 12/2024. Theo đó, bảng giá điều chỉnh mức tăng bình quân 15%.
Đầu tháng 12/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã trình UBND TP.HCM hai phương án cho bảng giá đất mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2024. Phương án thứ nhất có giá đất ở mức cao nhất tăng hơn hai lần so với hiện nay (khoảng 330 triệu đồng/m2) và phương án thứ hai là không tăng giá đất. UBND TP.HCM đã chọn phương án giữ nguyên bảng giá đất hiện hành, có bổ sung giá đất của một số tuyến đường mới với mức tối đa 162 triệu đồng/m2.
Vi phạm về đất đai bị phạt đến 1 tỉ đồng
Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có hiệu lực từ ngày 05/01/2020. Nghị định này tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này, điển hình như:
- Phạt đến 500 triệu đồng với cá nhân và 1 tỉ đồng với tổ chức nếu lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp (tăng 100 lần so với mức phạt trước đây);
- Phạt đến 500 triệu đồng với cá nhân và 1 tỉ đồng với tổ chức nếu tự ý chuyển từ đất trồng lúa sang đất ở (tăng 10 mức phạt so với trước đây);
- Phạt đến 20 triệu đồng với cá nhân và 40 triệu đồng với tổ chức nếu chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không có sổ đỏ (tăng bốn lần mức phạt so với trước đây);
- Phạt đến 5 triệu đồng với cá nhân và 10 triệu đồng với tổ chức nếu không sang tên sổ đỏ khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất (tăng hai lần mức phạt so với trước đây);
- Phạt đến 10 triệu đồng với cá nhân và 20 triệu đồng với tổ chức nếu bỏ hoang đất mà không thuộc trường hợp bất khả kháng (mức phạt này trước đây chưa được quy định).
Ngoài ra, nghị định này cũng có quy định về việc chậm làm sổ hồng cho dân. Theo đó, các đơn vị kinh doanh bất động sản hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất nếu không nộp hồ sơ, không cung cấp đầy đủ giấy tờ cho người mua làm thủ tục cấp sổ hồng sẽ bị phạt tùy vào mức độ vi phạm.
Mức thấp nhất là chậm từ 50 ngày - 6 tháng sẽ bị phạt tiền từ mức 10 triệu đến 100 triệu đồng; mức vi phạm 6 - 9 tháng sẽ bị phạt tối đa 300 triệu đồng; từ 9 - 12 tháng mức phạt tối đa là 500 triệu đồng; từ 12 tháng trở lên mức phạt tối đa là 1 tỉ đồng.
Quy định mới về xây dựng tầng tum, tầng lửng
Có hiệu lực từ 1/1/2020, Thông tư 07/2019/TT-BXD về việc sửa đổi, bổ sung, thay thế một số quy định tại Thông tư số 03/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng.
Theo đó, Thông tư 07 bổ sung, giải thích các khái niệm về nhà ở riêng lẻ; nhà chung cư; công trình đa năng; chiều cao của nhà, công trình, kết cấu; tầng trên mặt đất; tầng hầm; tầng nửa/bán hầm; tầng kỹ thuật; tầng áp mái; số tầng của tòa nhà (hoặc công trình).
Đối với công trình có tầng tum không tính vào số tầng của công trình khi chỉ dùng để bao che lồng cầu thang bộ hoặc giếng thang máy, bao che các thiết bị công trình (nếu có), phục vụ mục đích lên mái và cứu nạn, có diện tích không vượt quá 30% diện tích của sàn mái.
Đối với nhà ở riêng lẻ, tầng lửng không tính vào số tầng của công trình khi diện tích sàn tầng lửng không vượt quá 65% diện tích sàn xây dựng của tầng ngay bên dưới.
Đối với các công trình nhà, kết cấu dạng nhà, công trình nhiều tầng có sàn (không bao gồm nhà ở riêng lẻ), tầng lửng không tính vào số tầng của công trình khi chỉ bố trí sử dụng làm khu kỹ thuật (ví dụ: sàn kỹ thuật đáy bể bơi, sàn đặt máy phát điện, hoặc các thiết bị công trình khác), có diện tích sàn xây dựng không vượt quá 10% diện tích sàn xây dựng của tầng ngay bên dưới và không vượt quá 300m2.
Mỗi công trình chỉ được phép có một tầng lửng không tính vào số tầng của công trình.
Đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
Có hiệu lực từ 10/1/2020, Thông tư 07/2019/TT-BTP hướng dẫn một số nội dung về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, bao gồm:
- Đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất; đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất; đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất đồng thời với tài sản gắn liền với đất; đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất đồng thời với tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký; đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp trong trường hợp đã đăng ký thế chấp; xóa đăng ký thế chấp;
- Bổ sung thêm trường hợp đăng ký thế chấp đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng công trình xây dựng không phải là nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khác theo quy định của pháp luật.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: