Loạt tuyến đường vành đai ì ạch nhiều năm không thông
Theo ghi nhận của PV, nhiều tuyến đường vành đai của Hà Nội được triển khai từ nhiều năm qua nhưng hầu hết vẫn trong tình trạng chậm tiến độ, ì ạch, thậm chí có tuyến đường vành đai kéo dài gần 20 năm vẫn không xong.
Đầu tiên phải kể đến Dự án xây dựng đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục. Đây là đoạn tuyến cuối cùng được triển khai nhằm khép kín đường vành đai 1.
Tuyến đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục được mạnh danh là "tuyến đường đắt nhất hành tinh" chưa thể triển khai do vướng GPMB.
Theo đó, tuyến đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục có chiều dài 2.274m, mặt cắt ngang B=50m (bao gồm 2 cầu vượt trực thông theo hướng vành đai 1 tại các nút Giảng Võ – Láng Hạ và nút Nguyễn Chí Thanh). Điểm đầu giao với đường Cát Linh – La Thành – Yên Lãng tại Hoàng Cầu, điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục.
Mức đầu tư giai đoạn 1 dự án là hơn 7.200 tỷ đồng. Đây là tuyến đường được mệnh danh “đắt nhất hành tinh” với tổng đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng; chi phí đầu tư mỗi mét đường lên tới hơn 3,4 tỷ đồng.
Ban đầu, dự án dự kiến khởi công vào quý IV/2018, hoàn thành trong năm 2020. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn “dậm chân tại chỗ” do các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng.
Hay tuyến đường Vành đai 2,5 đoạn từ Đầm Hồng-Định Công tới Giải Phóng (thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội) theo hình thức BT vẫn ngổn ngang không biết ngày hoàn thành do vướng GPMB.
Được phê duyệt từ năm 2002, tuyến đường Vành đai 2,5 đoạn từ Đầm Hồng-Định Công tới Giải Phóng (thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội) theo hình thức BT trải qua 6 đời Chủ tịch phường Định Công nhưng đến nay vẫn ngổn ngang không biết ngày hoàn thành.
Được biết, dự án đường Vành đai 2,5, đoạn Đầm Hồng – Quốc lộ 1A được UBND TP. Hà Nội phê duyệt quy hoạch từ năm 2002. Đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm của Hà Nội, được đầu tư theo hình thức hợp đồng BT. Liên danh Công ty CP Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội cùng Công ty Xây dựng công trình Hoàng Hà làm chủ đầu tư, sau đó, hai nhà đầu tư đã lập ra Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Hoàng Mai trực tiếp quản lý dự án.
Tuyến đường BT này có chiều dài khoảng 2,1km, mặt cắt đường 40m, ban đầu tổng mức đầu tư được xác định chỉ là 688,6 tỷ đồng, đến năm 2012 được điều chỉnh là hơn 1.300 tỷ đồng. Dự kiến, tuyến đường sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 12/2016. Tuy nhiên, do vướng mắc trong khâu GPMB cũng như bồi thường nên dự án vẫn ì ạch chưa biết ngày nào xong. Trong khi những khu đất đối ứng đã được chủ đầu tư bán thu tiền của khách từ lâu.
Nhiều đoạn của tuyến đường Vành đai 3,5 vẫn chưa thể hoàn thành sau nhiều năm.
Tương tự, tuyến đường Vành đai 3,5 được kỳ vọng sẽ giảm tải cho đường Vành đai 3 đang bị quá tải đến hơn 4 lần lưu lượng xe. Tuy nhiên, nhiều đoạn của tuyến đến nay vẫn chưa thể hoàn thành. Như đoạn Phúc La (Hà Đông) đi cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - cầu Ngọc Hồi mặt bằng phần lớn là đồng ruộng, không gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng nhưng gần 10 năm qua dự án vẫn bị treo...
Theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, đường Vành đai 1, hiện còn đoạn: Hoàng Cầu - Voi Phục; Vành đai 2,5, hiện còn 3 đoạn: Khu đô thị mới Dịch Vọng - đường Dương Đình Nghệ; Trung Kính - Trần Duy Hưng; Ngụy Như Kon Tum - Đầm Hồng; Vành đai 3, còn một đoạn: cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Quang Minh; Vành đai 3,5, hiện còn nút giao với Đại Lộ Thăng Long và 4 đoạn tuyến: cầu Thượng Cát - Quốc lộ 32, Phúc La - Văn Phú - cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - cầu Ngọc Hồi, Bắc cầu Thượng Cát đến đường nối Vành đai 3, Vành đai 4.
"Do cơ chế chính sách trong lĩnh vực đầu tư cũng như GPMB chưa ổn định, dự án bị điều chỉnh nhiều lần, dẫn đến kéo dài thời gian thi công. Trong bối cảnh đó, nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT luôn thiếu so với nhu cầu, đặc biệt Luật Đầu tư công được ra đời đã làm cho hình thức huy động vốn từ hình thức PPP gặp khó khăn; các dự án đường vành đai thường trải dài theo tuyến, khối lượng GPMB lớn, số lượng người tái định cư nhiều để tạo sự đồng thuận, ủng hộ mất nhiều thời gian", đại diện Sở GTVT Hà Nội lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Đề xuất xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô 160.000 tỷ đồng
Trong khi hàng loạt dự án đường Vành đai chậm tiến độ, chưa thể cán đích thì mới đây, Hà Nội khởi động dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Theo đó, Hà Nội kiến nghị về cơ cấu vốn thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; cho phép thực hiện ngay công tác lập hồ sơ chuẩn bị đầu tư dự án, báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án vào kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa 15 (tháng 10).
Dự kiến xây dựng đường Vành đai 4 có tổng mức đầu tư khoảng 160.000 tỷ đồng.
Dự kiến xây dựng đường Vành đai 4 có tổng mức đầu tư khoảng 160.000 tỷ đồng; trong đó, ngân sách bố trí khoảng 50% (gồm ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 25% tổng mức đầu tư; ngân sách của Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh khoảng 25% tổng mức đầu tư). Phần 50% vốn còn lại áp dụng cơ chế đối tác công - tư và xây dựng - kinh doanh - chuyển giao.
Theo phê duyệt, tuyến đường Vành đai 4 nằm ở phía Nam Quốc lộ 18 có điểm đầu là cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội). Điểm cuối tuyến tại đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận xã Nam Sơn). Toàn tuyến có tổng chiều dài tuyến 98 km, đi qua 3 tỉnh, thành gồm Hà Nội (56,5 km); Hưng Yên (20,3km); Bắc Ninh (21,2 km); mặt cắt lòng đường rộng 120m.
Với đoạn đi qua Hà Nội, tuyến đường đi qua 7 quận, huyện gồm: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và quận Hà Đông, trên tuyến có hai cầu vượt sông Hồng là cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đề xuất đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô bằng các nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ, nguồn vốn đối ứng của các địa phương, tập trung đẩy mạnh đầu tư, đảm bảo tính kết nối trên toàn tuyến.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: