Sân chơi mới “Ao vườn nở” ở phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân).
Lãng phí lớn
Các khu tập thể (KTT) cũ như Kim Liên, Trung Tự, Nguyễn Công Trứ, Ngọc Khánh, Cầu Diễn… theo quy hoạch đều có không gian lưu không dành cho cư dân giữa các dãy nhà. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Xuân, KTT Kim Liên (quận Đống Đa), từ lâu tại đây đã không còn khoảng lưu không nào nữa. Các gia đình xây tường bao, tận dụng làm điểm trông giữ xe, bán hàng khiến không gian này ồn ào và chật chội…
Cùng chung tâm tư, ông Nguyễn Thành Trung, một người dân KTT 5 tầng Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) cũng cảm thấy đáng buồn bởi chợ cóc họp ngay trong ngõ nhỏ và lấn sân KTT từ sáng đến tối. "Tìm được thời gian yên tĩnh đã khó, tìm được nơi thoáng đãng, ngồi nhâm nhi tách trà còn khó hơn nhiều. Các KTT cũ bây giờ là vậy, thật khó để tìm lại khoảng riêng tư!" - ông Trung tâm sự.
Còn với các dự án khu dân cư, đô thị mới, các diện tích vườn hoa, công viên, sân thể dục, thể thao thường bị cắt giảm, thay đổi công năng, thậm chí bị bỏ quên. Tại các khu đô thị mới như: Trung Hòa - Nhân Chính, Nam Trung Yên… theo quy hoạch ban đầu thì các khoảng sân ở tầng 1 được sử dụng là khu vui chơi công cộng, nhưng hiện nay đang là bãi để xe và hàng quán.
Những mô hình nên nhân rộng
Mới đây, sân chơi cộng đồng tại phường Mai Động (quận Hoàng Mai) đã hoạt động trở lại sau hơn 20 năm bị bỏ quên. Đây là nỗ lực không nhỏ của tổ dân phố 5 và Tổ chức HealthBridge Việt Nam. Từ cuối tháng 5-2017, sân chơi được láng bê tông và được nhân dân tạm sử dụng làm nơi tập thể dục, là không gian công cộng cho mọi người. Trẻ em được chơi thú nhún, xích đu, cầu trượt; thanh niên có xà, bóng rổ và người già có ghế ngồi nghỉ ngơi, chơi cờ...
Mô hình sân chơi này cũng được triển khai ở phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân). Tháng 5-2017, Đoàn thanh niên phường đã nỗ lực tìm kiếm, trực tiếp liên hệ và được Tổ chức HealthBridge Việt Nam giúp đỡ lắp đặt trang thiết bị sân chơi tại ngõ 178 Quan Nhân mang tên "Ao vườn nở". Ông Nguyễn Văn Nghĩa, cán bộ UBND phường Nhân Chính cho biết, sân chơi này vốn dĩ là khu vực vườn hoa cây xanh, nhưng bị người dân sử dụng làm vườn rau cá nhân, tập kết rác.
Nay, được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, sau 1 tháng thực hiện đã trở thành sân chơi, thu hút hàng chục em nhỏ các lứa tuổi và vẫn giữ nguyên hiện trạng khu đất sạch đẹp cùng hàng cây bóng mát để tạo cảnh quan thân thiện với môi trường. Sân chơi mới được lắp đặt các trang thiết bị bằng gỗ tự nhiên, thân thiện với môi trường, thiết kế sáng tạo.
Bên cạnh hai sân chơi nói trên, Tổ chức HealthBridge Việt Nam cũng “biến” không gian buồn tẻ giữa các tòa nhà trong khu dân cư cũ ở tổ 3 phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) thành nơi sinh hoạt tập thể hấp dẫn. Trẻ con vui đùa bên cầu trượt, xích đu cùng những đồ chơi lạ mắt; người già có thể chuyện trò bên những ghế băng. Sân chơi không quá rộng, nhưng thật đáng quý với người dân nơi đây bởi không gian an toàn, lành mạnh và bảo đảm mỹ quan đô thị.
Bà Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc Văn phòng HealthBridge tại Việt Nam cho biết, trong thiết kế, quy hoạch dự án nhà ở, không gian hoạt động công cộng dành cho lứa tuổi mầm non ít được quan tâm. Dự án sân chơi cho trẻ dưới 5 tuổi nhắm đến việc tạo cho lứa tuổi này một không gian vui chơi an toàn. Sân chơi đáp ứng các tiêu chí: Sử dụng vật liệu thiên nhiên như gỗ, cát… thân thiện với môi trường; an toàn và hòa nhập cho trẻ khuyết tật… nhằm giúp trẻ em có không gian giao lưu, vận động, tăng cường thể lực và giao tiếp xã hội, tăng trí tưởng tượng...
Trong thời gian tới, Tổ chức này tiếp tục thực hiện dự án “Thành phố có điều kiện sống tốt” trên địa bàn Hà Nội, nhằm khuyến khích cộng đồng và chính quyền địa phương xây dựng và quản lý các công viên và sân chơi an toàn, dễ tiếp cận, đáp ứng nhu cầu về không gian công cộng để rèn luyện sức khỏe và giao tiếp của người dân, đặc biệt là người già và trẻ em. Điều đáng mừng hơn là từ thành công của mô hình sân chơi, nhiều gia đình chủ động hỗ trợ thêm thiết bị tập thể dục, trồng cây xanh hoặc đóng góp tiền mua nguyên vật liệu xây dựng. Thành quả có thể nhìn thấy là sự thay đổi diện mạo ở những khu sân chơi cũ kỹ, đời sống tinh thần của cư dân các khu tập thể, khu chung cư đã được cải thiện phần nào…
Những câu chuyện phát triển sân chơi công cộng rất cần được truyền cảm hứng cho hàng trăm nghìn sân chơi khác đang bị bỏ quên trong lòng thành phố. Bởi qua đó, các cấp chính quyền địa phương cũng như người dân có thêm động lực, “bắt tay” nhau, “chuyển hóa” được nhiều sân chơi ý nghĩa. Cần lắm những mô hình ý nghĩa như thế.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: