Chỉ mong được trả gốc, không mơ lãi
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm TGĐ Công ty CP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu, kể, đơn vị của ông từng được chỉ định thầu dự án thủy điện Buôn Kuốp (tỉnh Đăk Lăk) theo cơ chế chỉ định thầu của Thủ tướng Chính phủ. Vậy nhưng, tận bốn năm sau ngày hoàn thành công việc, công ty ông Hiệp mới được chủ đầu tư thanh toán.
"Bốn năm bị chủ đầu tư nợ, trong khi đó chúng tôi đi vay ngân hàng, phải trả lãi. Vậy sao không bù cho chúng tôi, không biết chúng tôi đau khổ thế nào? Trong cơ chế thanh toán, chủ đầu tư nợ thì không ai phạt nhưng nếu là nhà thầu thì bị phạt ngay", ông Hiệp bức xúc.
Ông Mai Đình Mạnh, Hiệp hội Công nghiệp kỹ thuật Điện, cho biết, số tiền mà các doanh nghiệp thuộc hiệp hội này bị ngành điện nợ lên đến cả chục tỷ đồng. Ông Mạnh nói: "Mặc dù trong hồ sơ hợp đồng kinh tế có ghi: nếu chủ đầu tư chậm thanh toán thì nhà thầu sẽ được thanh toán cả phần lãi, nhưng thật sự chúng tôi chỉ mong được thanh toán gốc thôi đã khó, chả mơ được thanh toán cả lãi".
Phó Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Dương Văn Cận nhận định, hiện trong các quy định pháp luật, nhà thầu chưa được bảo vệ. Tính bình đẳng giữa nhà thầu - chủ đầu tư chưa cao nên rất nhiều trường hợp nhà thầu hoàn thành công việc mà chưa được chủ đầu tư thanh toán, hoặc khi phát sinh khối lượng thì phải chờ thẩm định phức tạp.
Minh chứng thêm cho thực trạng này, ông Phan Vũ Anh, tổng công ty Vinaconex - nhà thầu dự án cao tốc Láng - Hòa Lạc mở rộng, cho biết, khi tham gia dự án thi công đường cao tốc này (nay là đại lộ Thăng Long), để cho kịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - đơn vị đành chấp nhận thi công khi chưa hề có... đơn giá. Điều này dẫn đến kết cục: công trình hoàn thành đã ngót một năm nay nhưng quyết toán thì vô cùng trầy trật.
"Thôi đành... chịu thiệt"
Theo luật gia Trần Hữu Huỳnh - Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, trong các trường hợp nói trên, nhà thầu hoàn toàn có thể khởi kiện chủ đầu tư ra tòa hoặc trung tâm trọng tài quốc tế. "Tòa án đâu, trung tâm trọng tài ở đâu mà các doanh nghiệp chỉ biết ỷ lại, trông chờ nhà nước nhiều quá"?
Trả lời câu hỏi này của luật sư Huỳnh, ông Phan Vũ Anh thừa nhận, đúng là hợp đồng có ghi cơ chế hạch toán, nói rõ các bên có quyền kiện ra trung tâm trọng tài. Song, trên thực tế, để đưa được chủ đầu tư ra tòa thì còn quá nhiều vấn đề phải tranh cãi, như tranh cãi vi phạm của hai bên là "cuộc chơi dài".
"Còn để kiện ra tòa thì rất nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian, có khi phải đi từ ba cấp từ sơ thẩm, phúc thẩm tới giám đốc thẩm", ông Vũ Anh nói.
Vẫn theo nhà thầu này, chưa kể có những vụ việc - dù rất ít - khi đưa được chủ đầu tư ra tòa thì cơ quan nhà nước lại "chỉ đạo giải quyết theo hướng a-b-c". Cho nên, theo ông Anh, trong những trường hợp này, thôi thì nhà thầu đành... chịu thiệt thòi mới hy vọng lấy được tiền, dù chậm.
Nhiều nhà thầu xây dựng cũng bức xúc, rằng họ phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" để giữ mối quan hệ với chủ đầu tư mới hy vọng có được những công trình tiếp sau. Vậy nhưng, theo ông Hiệp, cũng có những nhà thầu tuyên bố với ông: "Không muốn dính dáng đến những công trình có vốn ngân sách" vì lo sợ bị chủ đầu tư chậm thanh toán.
Bức xúc trước tình trạng này, tại cuộc rà soát báo cáo Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng cuối tuần trước tại Hà Nội, đại diện Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam kiến nghị: sớm nghiên cứu xây dựng Luật Hợp đồng để điều chỉnh mối quan hệ bất bình đẳng giữa chủ đầu tư - nhà thầu như hiện nay.
"Pháp luật hiện hành dù đã có nhiều quy định nhưng lại không có chế tài xử phạt, dẫn đến luật chỉ để "nói" chứ chưa đi vào cuộc sống nên rất cần có Luật Hợp đồng điều chỉnh", ông Dương Văn Cận, nhìn nhận.
Cũng rất mong mỏi Luật Hợp đồng sớm ra đời, tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, trong khi chờ đợi luật này thì Luật Đấu thầu sửa đổi cần bổ sung quy định bắt buộc chủ đầu tư cũng phải có ngân hàng bảo lãnh vốn như quy định nhà thầu phải có ngân hàng bảo lãnh.
Tổng thư ký hiệp hội Nhà thầu xây dựng Vũ Gia Quỳnh cho hay, đề xuất này từng được ông đề cập đến nhưng có vị đại biểu Quốc hội lập luận: vì chủ đầu tư công trình vốn ngân sách thì đã được nhà nước ghi kế hoạch vốn, tức là tiền đã nằm trong kho bạc nhà nước nên không cần phải có thêm ngân hàng bảo lãnh.
"Tuy nhiên, ghi kế hoạch vốn là việc giữa chủ đầu tư với nhà nước, còn ở đây là hợp đồng giữa nhà thầu với chủ đầu tư nên chủ đầu tư cũng phải bình đẳng, phải có bảo lãnh vốn của ngân hàng như nhà thầu", ông Quỳnh bày tỏ.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: