Thực hiện và đưa ra nhiều giải pháp như huy động vốn từ các thành phần kinh tế, mua lại quỹ nhà thương mại, sử dụng nhiều phương pháp tái định cư (TĐC), việc đáp ứng nhu cầu nhà ở TĐC trong thời gian tới của Hà Nội được kỳ vọng sẽ bớt căng thẳng.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng đã đề xuất một giải pháp mang tính "sát sườn", đó là kiểm soát nhu cầu thực, dự án chậm tiến độ có khả năng không giữ được quỹ nhà TĐC cho dù đã được chấp thuận và công khai tới các hộ dân.
Cầu lớn nhưng “đói” vốn
Tình hình vốn ngân sách gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng lớn đến tốc độ xây dựng quỹ nhà TĐC trên địa bàn Hà Nội. Năm 2013, các dự án xây dựng nhà ở TĐC chỉ được bố trí vốn rất hạn hẹp. Chỉ các dự án có quỹ nhà hoàn thành trong năm 2013 và một số dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2014 mới được bố trí vốn. Theo tính toán của Sở Xây dựng, chỉ có 21 trên tổng số 42 dự án đang triển khai xây dựng được bố trí nguồn vốn với 602 tỷ đồng. Số vốn này đáp ứng khoảng 30% so với nhu cầu đăng ký của các chủ đầu tư. Do vậy, các dự án "tiếng" là được bố trí vốn nhưng cũng chỉ đủ để thi công cầm chừng, hầu hết đều chậm tiến độ. 21 dự án còn lại không được bố trí vốn của năm 2013 đều tạm dừng thi công, ảnh hưởng đến kế hoạch xây dựng quỹ nhà TĐC, không đáp ứng được nhu cầu của các dự án trọng điểm. Đặc biệt, trong số các dự án thiếu quỹ nhà TĐC phải kể đến đường Vành đai 2 đoạn cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở.
Nhà tái định cư tại Khu đô thị Sài Đồng, Long Biên. Ảnh: Đức Giang
Để chuẩn bị cho các dự án có nhu cầu nhà TĐC trên địa bàn, trong đó ưu tiên cho các dự án trọng điểm, Sở Xây dựng đã đề xuất với UBND TP Hà Nội nhiều giải pháp. Trong đó, để đẩy nhanh tiến độ 17 dự án với tổng số 2.824 căn hộ có quỹ nhà hoàn thành trong năm 2014, nhu cầu vốn chủ đầu tư đăng ký trong năm nay là 577,4 tỷ đồng. Đồng thời, chuẩn bị quỹ nhà cho năm 2015 và các năm tiếp theo nhu cầu vốn để thực hiện 22 dự án (cung cấp 7.656 căn hộ), số vốn cần có trong năm 2014 cũng lên tới 1.373 tỷ đồng.
Thực hiện chính sách mua lại quỹ nhà thương mại để chuyển sang làm nhà ở TĐC, UBND TP Hà Nội đã có chủ trương mua lại 1.192 căn hộ từ nhiều dự án. Tuy nhiên, giải pháp này cũng cần tới 2.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, phải kể đến nhu cầu trong năm 2014 của các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu TĐC với tổng số vốn vào khoảng 1.580 tỷ đồng.
Trị nhu cầu “ảo”
Theo số liệu tổng hợp từ các quận, huyện, chủ đầu tư, đăng ký nhu cầu nhà TĐC của năm 2014 cho các dự án trên địa bàn lên tới 6.300 căn hộ. Phương án cân đối quỹ nhà TĐC cho năm nay đã được Sở Xây dựng tính toán khá chi tiết. Theo đó, với 700 căn hộ đã hoàn thành nhưng chưa sử dụng dù UBND TP Hà Nội đã bố trí cho các dự án và đã có thông báo cho các quận, huyện để công khai cho các hộ dân trong diện di dời, GPMB, Sở Xây dựng đề nghị khẩn trương sử dụng. Với số căn hộ dự kiến hoàn thành trong năm 2014 là 2.842 căn (cũng đã được UBND TP Hà Nội cân đối, bố trí cho các dự án trọng điểm và thông báo cho các hộ dân trong phạm vi thu hồi đất của các dự án), Sở Xây dựng đề xuất, trường hợp các dự án chậm sử dụng quỹ nhà thì cho phép điều chuyển cho các dự án khác có nhu cầu sử dụng ngay. Căn cứ để đề xuất giải pháp này được Sở Xây dựng dựa trên cơ sở thống kê kết quả sử dụng quỹ nhà TĐC của 7 năm gần đây. Hàng năm các quận, huyện và chủ đầu tư đều đưa ra nhu cầu nhà TĐC rất lớn nhưng thực tế sử dụng ít hơn nhiều so với đăng ký ban đầu.
Về đề xuất của Sở Xây dựng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi chỉ đạo, Sở Xây dựng căn cứ vào tiến độ nhu cầu nhà ở TĐC, quỹ nhà ở, đất ở thực tế để cân đối, điều chỉnh, xác lập tiến độ tổ chức thực hiện, giải quyết nhu cầu cho từng dự án theo nguyên tắc ưu tiên các dự án trọng điểm của TP, các dự án có nhu cầu cấp bách, bức xúc. Cùng với đó, UBND TP Hà Nội tiếp tục thực hiện các giải pháp nhu TĐC hoặc tạm cư bằng tiền; mua lại quỹ nhà ở của các dự án thương mại và tính đến cơ chế huy động vốn từ các thành phần kinh tế.