Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam
Nhu cầu lớn
Ông Nam cho biết, tính đến hết tháng 4/2014, cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 98 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 35 dự án, quy mô khoảng 18.950 căn hộ cho người thu nhập thấp; 63 dự án, quy mô khoảng 17.430 căn hộ cho công nhân.
Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư đang tiếp tục triển khai 129 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 90 dự án (bao gồm cả một số dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội đã được UBND các tỉnh, thành phố chấp thuận), quy mô khoảng 55.000 căn hộ cho người thu nhập thấp, tổng mức đầu tư khoảng 27.560 tỷ đồng; 39 dự án nhà, quy mô xây dựng khoảng 27.000 căn hộ cho công nhân khu công nghiệp với, tổng mức đầu tư khoảng 6.850 tỷ đồng.
“Chủ trương phát triển nhà ở xã hội đã nhận được được sự đồng thuận cao của các tổ chức, cơ quan Trung ương và chính quyền các địa phương, cũng như các tầng lớp dân cư trong xã hội”, ông Nam nói và nhấn mạnh, nhu cầu về nhà ở xã hội tại các đô thị, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM còn rất lớn.
Thực tế, các dự án nhà ở xã hội làm đến đâu hết hết đó. Cụ thể, tại dự án nhà ở xã hội Đặng Xá do Viglacera làm chủ đầu tư đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trên 2.000 căn hộ, đồng thời, vừa tiếp tục khởi công giai đoạn 3 có tổng diện tích 6,2 héc-ta, với 1.466 căn hộ, diện tích từ 45 - 70 m2, tổng mức đầu tư khoảng 800 tỷ đồng. Ngay sau khởi công giai đoạn 3, đã có 500 hồ sơ đăng ký mua và thuê. Dự kiến, dự án sẽ bàn giao căn hộ trước Tết Ất Mùi 2015 và khi hoàn thành, sẽ giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho khoảng 3.400 cư dân.
Hay như tại dự án nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm do HUD và CTCP BIC Việt Nam phối hợp thực hiện với quy mô 1.037 căn hộ cũng đang được người dân đón chờ. Hiện mới chỉ có tòa C1, quy mô 228 căn (do CTCP BIC Việt Nam thực hiện) đang triển khai và cũng chỉ mới xong móng, nhưng có tới 500 hồ sơ đăng ký mua.
Tiến độ còn chậm
Ông Nam cho rằng, hiện nguồn cung nhà xã hội, nhà giá thấp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu còn rất lớn, do việc triển khai các dự án còn chậm, mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu quỹ đất. Nhiều khu công nghiệp được hình thành, nhưng chưa bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân, một số địa phương chưa bố trí đủ quỹ đất 20% tại các khu đô thị mới, các dự án nhà ở thương mại theo quy định dành để xây dựng nhà ở xã hội.
Tính đến hết tháng 4/2014, cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 98 dự án nhà ở xã hội
Ngoài ra, một số cơ chế ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội như hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào dự án; hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương chưa được quan tâm đúng mức, nên chưa thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, dù đã có các quy định của Chính phủ và Bộ Xây dựng liên quan đến việc đơn giản hóa và rút gọn các thủ tục liên quan đến thẩm định, phê duyệt, chuyển đổi dự án, nhưng việc tổ chức triển khai thực hiện ở một số địa phương còn chậm, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư triển khai dự án.
Để đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, ông Nam cho biết, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện rút ngắn thủ tục liên quan đến thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và chuyển đổi dự án để đáp ứng nguồn cung về nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô nhỏ.
Ông Nam cũng cho biết, theo quy định, nhà ở xã hội được Nhà nước hỗ trợ nhiều, nên nếu 2 dự án có cùng mức bồi thường, có cùng quy mô đầu tư, thì giá bán nhà xã hội sẽ luôn thấp hơn nhà thương mại. Tuy nhiên, vừa qua, đã có hiện tượng, một số dự án nhà ở xã hội có giá bán cao hơn giá nhà thương mại, do đó, Bộ Xây dựng đã thành lập đoàn tiến hành kiểm tra việc xác định giá bán của các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn 3 thành phố là Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng để xử lý, nếu doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội có giá bán cao hơn quy định.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: