Thiếu đủ bề…
Theo báo cáo của Bộ Xây Dựng thì hiện cả nước có khoảng 1,6 triệu lao động đang làm việc ở 170 KCN, KCX, trong số đó có khoảng 70% là lao động ngoại tỉnh nên phải đi thuê nhà. Tuy vậy, tỷ lệ công nhân có chỗ ở ổn định không nhiều. Số còn lại phải thuê nhà trọ của tư nhân với giá thuê khá cao. Các phòng rọ này rất chật hẹp, nhếch nhác, thiếu ánh sáng, phòng vệ sinh, phòng cháy chữa cháy, thiếu nơi vui chơi giải trí… nên đã gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống của công nhân và làm xáo trộn tình hình trật tự, an toàn xã hội tại nhiều khu công nghiệp..
Trong thời gian qua, đã có rất nhiều chính sách giải quyết nhà ở xã hội nói chung và nhà ở cho công nhân nói riêng, nhưng khó khăn vẫn luôn hiện diện. Trong số 9 dự án đã hoàn thành thì Hà Nội có 01 dự án và TP.HCM có 08 dự án, còn lại các địa phương khác vẫn đang trong giai đoạn… chờ!
Tại Hội thảo quốc gia về “Nhà ở công nhân - thực trạng và giải pháp” vừa được tổ chức hôm qua - 17/10 tại tỉnh Bình Dương, ông Vũ Hồng Quang- Phó Ban Chính sách – Pháp luật của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, nguyên nhân dẫn đến sự định trệ trên là do thiếu đất sạch để phục vụ cho xây dựng KCN, chủ đầu tư và cơ quan thẩm định không tính đến quy hoạch đất để làm nhà ở. Thứ hai là thiếu vốn đầu tư vì Nhà nước không đầu tư vốn xây dựng nhà ở cho công nhân lao động, mà chỉ dừng ở mức độ khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê theo phương thức xã hội hóa. Việc vay vốn với lãi suất ưu đãi hiện còn nhiều khó khăn về cơ chế thủ tục…
Xa vời mục tiêu
Hiện các địa phương đã đăng ký tổng cộng 110 dự án nhà ở công nhân giai đoạn 2010-2015, nhưng mới triển khai 27 dự án. Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nếu 27 dự án này hoàn thành thì cũng chỉ mới đáp ứng được chỗ ở cho khoảng 130 ngàn lao động, chiếm 13% số lao động tại các KCN có nhu cầu. Nói là 27 dự án đang triển khai, tuy nhiên cũng chỉ mới có 9 dự án hoàn thành, các dự án còn lại không biết đến bao giờ mới triển khai xong vì gặp quá nhiều khó khăn.
Trao đổi với PLVN, ông Lê Hoàng Châu- Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, vấn đề nhà ở xã hội nói chung và nhà ở cho công nhân nói riêng đang hết sức cấp thiết. “Người thu nhập thấp rất khó có khả năng mua được nhà vì giá đất, giá nhà quá cao, cao đến mức bất hợp lý. Các nước trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Malaisia... có rất nhiều dự án nhà ở xã hội với giá rất hợp lý, nhưng mình vẫn chưa làm được. Muốn đạt được mục tiêu đề ra đến năm 20115 có 50% công nhân tại các KCN được thuê, mua nhà ở tại các dự án thì cần phải có sự nỗ lực của toàn xã hội. Nhà nước cũng cần điều chỉnh, thay đổi một số cơ chế chính sách nhất định như đầu tư cho hộ gia đình vay vốn ưu đãi để họ nâng cấp sửa chữa nhà ở để đấp ứng các tiêu chuẩn đề ra” – ông Châu tâm sự.
Theo kiến nghị của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, để đảm bảo đời sống cho người lao động nói chung và người lao động trong các KCN, KCX nói riêng thì cần thiết phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó phải tiếp tục nghiên cứu xây dựng và thực hiện cải cách chính sách tiền lương trong giai đoạn 2012-2020, trong đó trọng tâm là xác định lại chi phí tiền nhà ở phù hợp yêu cầu thực tế. Bên cạnh đó phải rà soát lại quy hoạch các KCN, KCX bảo dảm gắn với quy hoạch phát triển các khu dân cư và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phát triển bền vững…
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: