Bán nhà 3 tháng không... "trôi"
Ông Trần Thành (ngụ quận 3, TPHCM) cho biết, tháng 12/2020, khi nghe tin thành phố Thủ Đức sẽ được thành lập, ông đã nhanh chóng vay ngân hàng 4 tỷ đồng để mua một căn nhà phố diện tích 110 m2 trên đường Trường Lưu (quận 9) trị giá 6 tỷ đồng.
Lúc mua, ông dự đoán bất động sản thành phố Thủ Đức sẽ tăng tốt trong tương lai và ông sẽ bán ngôi nhà vào giữa năm 2021 để "chốt lời".
Tuy nhiên, TPHCM đã bùng dịch Covid-19 vào cuối tháng 5 khiến thị trường bất động sản rơi vào cảnh ảm đạm. Mọi kế hoạch của ông Thành bị đảo lộn.
"Mỗi tháng trôi qua, tôi phải trả tiền lãi cho ngân hàng gần 40 triệu đồng. Trong khi đó, dịch bệnh khiến giá nhà tăng rất chậm. Bán ra ở thời điểm này cũng khó tìm được khách mua", ông Thành nói.
Thị trường bất động sản tại TPHCM đang rất ảm đạm vì dịch Covid-19 (Ảnh: Đại Việt).
Dịch Covid-19 cũng khiến việc kinh doanh quán ăn của ông bị ảnh hưởng nặng nề. Thu nhập ổn định hàng tháng từ quán ăn bị xáo trộn. Tiền lãi ngân hàng bỗng trở thành một gánh nặng.
"Khi kinh doanh ổn định, tôi lấy lợi nhuận của quán ăn trả cho ngân hàng để đầu tư vào bất động sản. Thế nhưng, gần một tháng nay, quán ăn thất thu vì dịch bệnh. Thành phố lại tiếp tục giãn cách thêm 2 tuần nên áp lực từ việc trả lãi ngân hàng là vô cùng lớn", ông Thành nói.
Ông cho biết đang phải cắn răng chờ qua đợt dịch để rao bán căn nhà nói trên.
Bà Nguyễn Phương, một nhà đầu tư tại quận 10, kể, bà đang rao bán 2 căn hộ nhưng hơn 3 tháng nay vẫn chưa bán xong. Hai căn hộ của bà Phương nằm trên tầng 8 của một dự án trên đường Nguyễn Thị Định (quận 2). Mỗi căn có diện tích 74 m2 và đang được chào bán với giá 4,3 tỷ đồng/căn.
"Một số khách đến coi nhà nhưng chưa "chốt" dù tôi đã giảm giá 100 triệu đồng so với thị trường. Nếu trong tháng 7 bán được nhà và trừ tiền lãi ngân hàng đã đóng một năm qua thì tôi vẫn lỗ khoảng 130 triệu đồng", bà Phương nói.
Ông Phạm Quốc Tuấn, một nhà đầu tư tại quận Phú Nhuận, thì chia sẻ ông đang sở hữu 3 mảnh đất trồng cây lâu năm tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Ông đang cần bán những miếng đất này để lấy vốn duy trì hoạt động của công ty. Tuy nhiên, việc bán đất hiện rất khó khăn.
"Tôi mua đất ở Lâm Đồng để làm vốn. Tôi dự tính khi kinh doanh gặp rủi ro sẽ sử dụng nguồn vốn này để bù đắp cho công ty. Thế nhưng dịch bệnh khiến tôi không thể rời thành phố. Việc đưa khách đi xem đất trở nên bất khả thi, mọi quá trình đều bị ngưng trệ", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn chia sẻ, dù công ty đang rất cần vốn, ông không thể làm gì hơn trong hoàn cảnh hiện tại. Ông hi vọng, sau 2 tuần giãn cách xã hội, mọi hoạt động sẽ trở lại bình thường. Việc giao dịch, mua bán bất động sản sẽ được thuận lợi hơn.
Hết thời "lướt sóng" nhặt tiền
Ông Phan Công Chánh, chuyên gia bất động sản tại TPHCM nhận định, trước đây, những nhà đầu tư có dòng tiền vừa phải thường chọn đầu tư vào những kênh có thanh khoản nhanh chóng, bỏ tiền đầu tư là có thể lấy tiền ra được ngay. Điển hình như bất động sản.
Tuy nhiên, ở giai đoạn này thì những kênh đầu tư như bất động sản khó có thể làm được việc đó vì vốn đầu tư lớn, thanh khoản chậm. Chính vì vậy mà thị trường bất động sản đang có phần ảm đạm và dòng tiền đầu tư vào ngành này đang bị mất dấu.
Bất động sản không còn là kênh đầu tư "siêu lợi nhuận" như trước đây (Ảnh: Đại Việt).
"Nếu có trong tay khoảng 3 tỷ đồng thì tôi cũng chưa vội đầu tư vào bất động sản mà chuyển qua trạng thái phòng thủ. Bởi, hiện nay, chỉ số niềm tin và hy vọng của nhà đầu tư sau đợt dịch bùng phát đang giảm xuống đáng kể. Điều này khiến thị trường bất động sản bị ảnh hưởng mạnh mẽ, điển hình như việc các doanh nghiệp lớn cũng đang gặp khó khăn trong việc bán hàng. Chính vì vậy, nhà đầu tư cần kiên nhẫn hơn trong thời điểm hiện tại", ông Chánh nói.
Còn theo chuyên gia bất động sản Nguyễn Hoàng, trong thời điểm này, các nhà đầu tư nên lựa chọn xu hướng đầu tư dài hạn 2-3 năm trở lên thay vì đầu tư ngắn hạn, "lướt sóng" như trước đây. Việc chọn sản phẩm để đầu tư cũng là điều đáng được lưu ý.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: