Tại hội thảo “Kiểm toán thu sử dụng đất với việc tăng cường quản lý thu ngân sách Nhà nước và nâng cao hiệu lực quản lý đất đai tại các tỉnh, thành”, do Kiểm toán Nhà nước tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cho rằng nguyên nhân cơ bản khiến nguồn thu chưa tương xứng với tiềm năng quỹ đất là do chính sách thuế và phí trong lĩnh vực quản lý đất đai thiếu điều tiết hợp lý nguồn thu từ đất vào ngân sách nhà nước (NSNN) chưa trở thành công cụ quản lý thị trường, chống đầu cơ về đất đai, khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm và hiệu quả.
Giảm hiệu quả sử dụng đất
Theo ông Nguyễn Văn Hiền - Tổng cục Quản lý đất đai, những hạn chế đó khiến tiến độ triển khai các dự án đầu tư chậm, làm giảm tốc độ phát triển kinh tế và giảm sức tăng trưởng kinh tế đất nước, gây thiệt hại về nguồn thu từ thuế cho NSNN. Các dự án đầu tư hạ tầng rơi vào tình trạng phải chi phí quá lớn (chi phí bồi thường gấp 4 - 5 lần chi phí xây dựng ở các đô thị lớn), tiến độ triển khai quá chậm, không đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của địa phương. Các nhà đầu tư không thể giải ngân đúng tiến độ dự án đầu tư làm chậm khả năng sinh lợi của dự án, gây thiệt hại về lợi nhuận đầu tư...
Ông Vũ Nhật Anh - Vụ Tài chính - Ngân sách, Văn phòng Quốc hội phân tích: Việt Nam có tổng diện tích đất tự nhiên 33.104.218ha. Trong đó, đất nông nghiệp khoảng 9.345.300ha, đất lâm nghiệp khoảng 11.575.429ha, còn lại là các loại đất chuyên dùng, đất đô thị, đất dân cư nông thôn, đất chưa sử dụng. Thực tế cho thấy việc quản lý, sử dụng đất đai còn phân tán, nhiều đơn vị sử dụng đất còn lãng phí, không đúng mục đích và kém hiệu quả. Việc chuyển quyền sử dụng đất còn nhiều vi phạm, miễn giảm tiền sử dụng đất không đúng quy định, áp đơn giá đất để tính tiền sử dụng đất chưa đúng, tham ô trong sử dụng tiền bồi thường GPMB… gây thất thoát đáng kể cho NSNN, làm giảm hiệu quả sử dụng đất và gây bất bình trong một bộ phận nhân dân.
Một vấn đề quan ngại khác mà ông Đặng Hùng Võ - Chủ nhiệm bộ môn Địa chính, ĐH Quốc gia Hà Nội chỉ ra là mặc dù nguồn thu ngân sách từ đất hàng năm rất lớn nhưng có tới 80% là từ tiền sử dụng đất khi nhà nước giao đất. Nguồn thu này không bền vững khi quỹ đất ngày một hạn hẹp. Trong khi đó, thuế sử dụng đất và tiền thuê đất của Nhà nước là 2 nguồn thu bền vững nhất thì hiện nay còn quá nhỏ, không hợp lý, không động viên được hiệu quả sử dụng đất, không tạo công bằng về sử dụng đất, không tạo được nguồn thu cho phát triển hạ tầng và dịch vụ công.
Tăng cường chất lượng kiểm toán
C ó tới 80% là từ tiền sử dụng đất khi nhà nước giao đất. Nguồn thu này không bền vững khi quỹ đất ngày một hạn hẹp.
Trên cơ sở đó các chuyên gia cho rằng, việc đảm bảo công tác thu, quản lý thu NSNN từ đất đai và quản lý đất đai hiệu quả, hiệu lực, đảm bảo sự tuân thủ pháp luật luôn là một nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, trong đó có trách nhiệm của cơ quan kiểm toán Nhà nước. Về vấn đề này, ông Trần Khánh Hoà - Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước khẳng định: Thông qua kiểm toán thu sử dụng đất, số truy thu tiền sử dụng đất hàng năm rất lớn: 2007 là 848 tỷ đồng, năm 2008 là 1.049 tỷ đồng, 2009 là 1.255 tỷ đồng, năm 2010 là 606 tỷ đồng. Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng đã có nhiều kiến nghị chấn chỉnh, kiểm điểm trách nhiệm tập thể và cá nhân để xảy ra nhiều sai phạm trong việc chỉ đạo, điều hành quản lý thu tiền sử dụng đất, đồng thời, kiến nghị huỷ bỏ nhiều văn bản của các địa phương về ưu đãi, đền bù, giao đất… không đúng quy định. Song theo ông Nguyễn Văn Hiệu - Kiểm toán Nhà nước khu vực IV, thời gian qua chỉ kiểm toán được nội dung về thu tiền sử dụng đất mà chưa kiểm toán về quy hoạch sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giao đất, quản lý, sử dụng nguồn thu từ đất. Kiểm toán tuân thủ chính sách thu tiền sử dụng đất với nội dung, với đối tượng còn hạn hẹp, chủ yếu tập trung đối với thu tiền sử dụng đất của các đối tượng được giao đất, các tổ chức chuyển mục đích sử dụng đất, chưa kiểm toán được với đối tượng xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có phát sinh nghĩa vụ tài chính. Kiểm toán cũng mới chủ yếu tập trung đánh giá việc tuân thủ pháp luật, chưa đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong quản lý thu, sử dụng nguồn thu. Việc thực hiện kiến nghị kiểm toán với số tiền truy thu lớn gây khó khăn cho đối tượng thực hiện, thông thường các đối tượng được kiểm toán tìm mọi cách trốn tránh nghĩa vụ...
Thực tế này đòi hỏi phải tăng cường chất lượng kiểm toán việc quản lý thu tiền sử dụng đất nhằm đảm bảo thiết lập kỷ cương, kỷ luật trong thực hiện chính sách của Nhà nước, tăng cường kỷ luật tài chính, góp phần tích cực cho công tác quản lý tài chính quốc gia.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: