Thông tin trên được JLL đưa ra trong báo cáo thị trường khu công nghiệp mới đây. Thị trường khu công nghiệp ở các tỉnh miền Nam được thống kê bao gồm các tỉnh TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Long An.
Nguồn cung bất động sản công nghiệp ở phía Nam dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong 5 năm tới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng
JLL nhận định, bất chấp đại dịch vẫn tiềm ẩn rủi ro đối với thị trường nhưng bất động sản công nghiệp ở Việt Nam vẫn đầy tiềm năng và được các nhà sản xuất lớn để mắt đến. Cả đất công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn đề ghi nhận tỷ lệ lấp đầy cao, đạt gần 86% và 82%, tăng lần lượt 60 điểm phần trăm và 76 điểm phần trăm so với quý 4/2020.
Trong đó, đất công nghiệp ghi nhận các giao dịch đã được đàm phán từ năm ngoái, ngược lại nhà xưởng xây sẵn chứng kiến sự mở rộng sản xuất của các khách thuê hiện hữu hơn là những khách thuê mới.
Đất công nghiệp vẫn là lĩnh vực nóng nhất đối với những nhà sản xuất mới hoặc để đáp ứng nhu cầu mở rộng của các nhà sản xuất hiện hữu, vốn được hỗ trợ bởi tiềm năng sản xuất lớn của Việt Nam. Do đó, hầu hết các chủ đầu tư khu công nghiệp tại phía Nam vẫn duy trì đà tăng giá đất mạnh và đạt đỉnh mới tại 111 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 1/2021.
Trong khi đó, giá thuê nhà xưởng xây sẵn đạt trung bình ở mức 4,5 USD/m2/tháng cho toàn khu vực, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái do nhu cầu lớn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi họ mở rộng sản xuất.
Đồng Nai và Bình Dương dẫn đầu nguồn cung cả nước về đất công nghiệp và nhà xưởng cho thuê và có thể duy trì vị thế này trong thời gian tới. Các địa phương khác ở miền Nam vẫn còn một hành trình dài để bắt kịp nguồn cung khu công nghiệp của Bình Dương và Đồng Nai vì đây là hai thị trường phát triển lâu đời nhất.
“Nguồn cung bất động sản công nghiệp ở phía Nam dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong 5 năm tới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và củng cố hơn nữa vị trí dẫn đầu về nguồn cung của khu vực”, JLL nhận định.
Nhờ triển vọng tích cực về ngành công nghiệp sản xuất của Việt Nam trong tương lai, chính quyền các tỉnh đã đưa ra kế hoạch thành lập thêm các khu công nghiệp mới với tổng diện tích khoảng 23.400 ha, tất cả đều nằm ở các thị trường tiêu biểu lân cận TPHCM. Thị trường nhà xưởng xây sẵn dự kiến sẽ tiếp tục sôi động, với khoảng 897.000 m2 sẽ được tung ra thị trường vào cuối năm 2021.
Báo cáo trước đó của Collier chỉ ra có một lượng ổn định các khu công nghiệp mới đang chờ phê duyệt và xây dựng để đáp ứng lượng khách thuê ngày một tăng. Các tỉnh ở khu vực phía Nam có kế hoạch mở rộng các khu công nghiệp để thu hút đầu tư nước ngoài.
Chẳng hạn, Long An đã được phê duyệt bổ sung ba KCN mới vào quy hoạch quốc gia, KCN Sài Gòn - Mê Kông có diện tích 200 ha, KCN Tân Tập có diện tích 654 ha và KCN Lộc Giang có diện tích 466 ha. 6 địa phương của tỉnh Đồng Nai như các Long Thành, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Trảng Bom, Nhơn Trạch và thành phố Long Khánh cũng có kế hoạch xây dựng thêm các KCN, diện tích từ 200ha đến 900ha.
Đơn vị này nhận định, có nhiều yếu tố thuận lợi thúc đẩy nhu cầu bất động sản công nghiệp tại Việt Nam. Trong đó có sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, xuất khẩu hàng điện tử tăng trưởng mạnh mẽ bên cạnh tình hình bất ổn vĩ mô ở một số khu vực trên thế giới có thể một phần khiến cho nhu cầu bất động sản công nghiệp tại Việt Nam tiếp tục tăng cao.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: