Phản ánh đến Báo Người Lao Động, nhiều khách hàng đang vay tiền ngân hàng (NH) mua nhà cho biết đã cạn dần nguồn tài chính dự phòng, thu nhập bị cắt giảm khi giãn cách kéo dài, trong khi sức ép phải trả gốc và lãi vẫn đều đặn mỗi tháng.
Khó trả nợ vay đúng hạn
Chị T. Phan (ngụ quận 10, TP HCM) mua căn hộ trả góp theo tiến độ tại một dự án liên kết với một NH cổ phần trụ sở chính tại TP HCM với tổng số tiền vay dự kiến gần 900 triệu đồng, lãi suất năm đầu là 7,99%/năm. NH bắt đầu giải ngân từ tháng 2-2020, đến nay đã giải ngân được 4 kỳ với tổng số tiền gần 400 triệu đồng. Từ tháng 2-2021 đến nay, lãi suất điều chỉnh theo thị trường 6 tháng/lần và hiện chị Phan đang phải trả lãi vay mua nhà trên 12%/năm.
"Trước đây, tôi làm cho một công ty du lịch, dịch bệnh kéo dài nên phải nghỉ. Từ đầu năm 2021 đến nay, tôi có công việc khác, thu nhập giảm so với trước. Mỗi tháng, thu nhập của tôi phải trả tiền thuê nhà, chi tiêu gia đình, thêm tiền lãi vay NH trong khi căn hộ chung cư là dự án chưa hoàn thiện" - chị Phan lo lắng. Trước tình hình khó khăn, chị đã gửi đơn kiến nghị NH thương mại được giảm lãi suất hoặc giãn nợ từ nay đến hết năm 2021 để bớt gánh nặng tài chính.
Công bố gần nhất của NH Nhà nước cho thấy mặt bằng lãi suất cho vay bằng VNĐ đối các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thông thường đang được NH thương mại áp dụng phổ biến ở mức 7,5% - 8,16%/năm đối với ngắn hạn và 9,67 - 10,35%/năm đối với trung, dài hạn. Đại diện NH thương mại nơi chị Phan vay vốn giải thích mức lãi suất 12%/năm theo thỏa thuận giữa NH và khách hàng là phù hợp với quy định sau khi hết giai đoạn ưu đãi. Hiện khoản vay của chị đủ điều kiện về số dư nợ được cơ cấu thời hạn trả nợ. NH đã hướng dẫn chị làm đơn yêu cầu và sẽ thực hiện cơ cấu nợ theo đúng hướng dẫn của NH Nhà nước và quy định của NH.
Nhiều khách hàng vay mua nhà khác cũng đang sốt ruột chờ NH giảm lãi suất khi thu nhập giảm dần trong giai đoạn dịch Covid-19. Anh Nguyễn Minh (ngụ TP Hà Nội) có khoản vay mua nhà tại một NH thương mại từ năm 2015. Đến giờ, mỗi tháng anh trả gốc và lãi khoảng 8 triệu đồng.
Từ khi dịch bệnh xảy ra, nguồn thu của gia đình chỉ trông chờ vào anh Minh nhưng lãi NH vẫn nhắc đều mỗi tháng. Thấy thông tin nhiều NH công bố giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch, anh cũng liên hệ chi nhánh NH nơi vay vốn. Nhân viên NH này yêu cầu anh phải chứng minh thiệt hại, chứng minh thu nhập cả gia đình bị giảm mới xem xét giảm lãi vay. Trong khi đó, vợ anh làm công việc tự do nên việc chứng minh không dễ.
Nhiều người đang ngóng ngân hàng hạ lãi suất vay vốn mua nhà. Ảnh: TẤN THẠNH
Cần giảm lãi cho người vay mua căn nhà đầu tiên
Thực tế thời gian qua, nhiều NH thương mại đã triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất, miễn giảm lãi vay và cơ cấu nợ cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, trong đó có người mua nhà. Tuy nhiên, phần lớn NH ưu tiên hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo chủ trương của NH Nhà nước và Chính phủ để sớm khôi phục sản xuất - kinh doanh. Các NH cũng giảm lãi suất tùy từng điều kiện tài chính, nguồn lực của mình chứ không giảm đồng loạt cho toàn bộ khách hàng.
Theo lãnh đạo một NH cổ phần ở TP HCM, lãi vay có giảm cho khách hàng nhưng chủ yếu ở những lĩnh vực ưu tiên, không thể giảm đồng bộ với tất cả khách hàng. Chưa kể, cho vay mua nhà được tính vào tín dụng bất động sản, nhiều NH thương mại đang thu hẹp và chủ yếu cho vay cá nhân ở những dự án bất động sản có liên kết với NH để bảo đảm an toàn, giảm rủi ro tín dụng.
Trước xu hướng lãi suất huy động đi xuống những ngày qua, vậy lãi suất cho vay, gồm lãi suất vay mua nhà, còn dư địa giảm thêm thời gian tới? Chuyên gia tài chính - TS Huỳnh Trung Minh cho rằng lãi suất huy động giảm là một trong những cơ sở để giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, lãi suất vay mua nhà có giảm thêm hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong khi hạn mức tín dụng tại nhiều NH đang cạn dần và nhu cầu vốn ở những lĩnh vực ưu tiên cũng còn rất lớn.
"Riêng với khách hàng vay mua căn nhà đầu tiên, việc cân nhắc giảm lãi suất là cần thiết. Người vay nên chủ động liên hệ với NH để được xem xét hỗ trợ giãn thời hạn trả nợ, giảm lãi vay" - TS Huỳnh Trung Minh góp ý.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng dù vay mua bất động sản (trong đó có vay mua nhà) không phải lĩnh vực ưu tiên nhưng cũng nên có chính sách hỗ trợ những người vay mua căn nhà đầu tiên. Bởi lẽ, nếu người dân không trả được nợ, chuyển thành nợ xấu ở phân khúc khách hàng cá nhân, thì sẽ tạo áp lực cho việc xử lý của NH thương mại trong tương lai.
Hỗ trợ khách hàng có khoản vay nhỏMới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp bất động sản TP HCM đã kiến nghị NH Nhà nước sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 và Thông tư 03 về miễn giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ, theo hướng các NH thương mại xem xét giảm khoảng 2 điểm % lãi suất cho vay với khách hàng, gồm cả hộ gia đình, cá nhân vay mua nhà, do khó khăn vì dịch Covid-19 kéo dài. Trong Nghị quyết 88, Chính phủ đã yêu cầu NH Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, như cơ cấu lại khoản nợ, khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng giảm chi phí, tiếp tục giảm lãi suất cho vay; quan tâm hỗ trợ đối tượng khách hàng có khoản vay nhỏ đang rất khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. NH Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ... |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: