Ðầu năm 2012, ông Nguyễn Mạnh Hùng, trú tại thôn 3, xã Ðác Plao được UBND huyện Ðác Glong cấp 4.000 m2 đất tái định canh tại khu vực đồi 206. Từ đầu mùa mưa đến nay gia đình ông vào phát dọn để trồng cà-phê thì bị người dân ở xã Quảng Khê ngăn cản, phải ngừng việc canh tác trên diện tích đất này. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, ông Hùng bức xúc: "Gia đình tôi chuyển vào sinh sống tại khu tái định cư này từ giữa năm 2010 đến nay, hơn hai năm qua không có đất sản xuất, không có việc làm, hằng ngày mong ngóng huyện cấp đất để sản xuất. Ðến nay huyện mới cấp đất sản xuất cho chúng tôi, nhưng đất đã bị lấn chiếm, chúng tôi vào làm bị ngăn cản, hành hung. Từ đầu mùa mưa đến nay, mặc dù chúng tôi đã nhiều lần làm đơn đề nghị UBND xã Ðác Plao và UBND huyện Ðác Glong giải quyết để sản xuất cho kịp mùa vụ, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm".
Cũng như ông Hùng, đầu năm 2012, gia đình ông Vương Hùng Luật, trú tại thôn 3, xã Ðác Plao được UBND huyện Ðác Glong cấp 4.000 m2 đất tái định canh tại đồi 206 nhưng đến nay vẫn chưa thể sản xuất được. Ông Luật cho biết: "Khi biết nơi ở cũ được quy hoạch làm lòng hồ Dự án thủy điện Ðồng Nai 3, mọi người đều đồng tình chuyển lên khu tái định cư mới để nhường đất lại cho dự án. Trước khi chuyển đi, huyện Ðác Glong và Ban quản lý Dự án thủy điện 6 (thuộc Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam) đại diện cho chủ đầu tư hứa sẽ sớm giải quyết đất sản xuất để người dân ổn định cuộc sống nơi ở mới. Thế nhưng đến nơi ở mới phải chờ "dài cổ", đến nay huyện mới tiến hành cấp đất tái định canh, mọi người liền bắt tay vào canh tác thì xảy ra tranh chấp với người dân địa phương khác. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương và các ngành chức năng của huyện Ðác Glong giải quyết để giúp người dân chúng tôi yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống, nhưng đến nay vẫn chưa thấy huyện, xã vào kiểm tra, giải quyếtể.
Bí thư Ðảng ủy xã Ðác Plao KếLớ cho biết: Trên địa bàn toàn xã hiện có gần 400 hộ dân tái định cư Dự án thủy điện Ðồng Nai 3 ở xã Ðác Plao đều lâm vào hoàn cảnh "dở khóc, dở cười", trong đó tập trung nhiều nhất là các hộ dân ở thôn 1, thôn 2 và thôn 3. Bình quân mỗi hộ được huyện cấp 4.000 m2 đất tái định canh, nhưng kể từ ngày nhận đất đến nay, phần lớn các hộ dân vẫn không thể sản xuất được vì xảy ra tranh chấp với người dân xã Quảng Khê. Sau khi nhận được đơn thư phản ánh của nhân dân, Ðảng ủy phối hợp UBND xã tiến hành kiểm tra, tuyên truyền, vận động người dân ở xã Quảng Khê trở về địa phương, không tranh chấp, xâm canh trên đất tái định canh của người dân xã Ðác Plao, đồng thời báo cáo sự việc lên Huyện ủy, UBND huyện Ðác Glong... Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được ai kiểm tra giải quyết. Tình trạng này không chỉ gây mất an ninh trật tự ở địa phương mà còn khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân tái định cư bị ảnh hưởng nặng nề, cuộc sống không ổn định.
Theo Bí thư Ðảng ủy xã Ðác Plao KếLớ, nguyên nhân dẫn đến việc tranh chấp đất đai giữa người dân tái định cư Dự án thủy điện Ðồng Nai 3 và nhân dân xã Quảng Khê là do vào năm 2009, cùng với việc đầu tư xây dựng khu tái định cư ở xã Ðác Plao cho các hộ dân thuộc diện di dời, giải tỏa lòng hồ Dự án thủy điện Ðồng Nai 3, UBND tỉnh Ðác Nông cũng đã ra quyết định thu hồi hơn 500 ha đất lâm nghiệp của Công ty Lâm nghiệp Gia Nghĩa giao lại cho UBND huyện Ðác Glong và Ban quản lý Dự án thủy điện 6 tiến hành khai hoang cấp đất tái định canh cho các hộ dân. Tuy nhiên, từ năm 2009 đến hết năm 2011, UBND huyện Ðác Glong và Ban quản lý Dự án thủy điện 6 không cấp đất tái định canh cho người dân và cũng không có biện pháp quản lý diện tích đất này, để người dân ở xã Quảng Khê tràn vào lấn chiếm, khai hoang trồng cây công nghiệp. Mãi đến đầu năm 2012, UBND huyện Ðác Glong mới tiến hành cấp đất cho các hộ dân tái định cư thì xảy ra việc tranh chấp với người dân xã Quảng Khê.
Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND xã Ðác Plao, đến thời điểm hiện nay đã có hơn 200 ha đất thuộc khu đất tái định canh cho người dân tái định cư Dự án thủy điện Ðồng Nai 3 ở xã Ðác Plao đã bị người dân ở xã Quảng Khê vào lấn chiếm sản xuất. Các hộ dân này cho rằng, đây là diện tích đất do họ khai hoang mà có, nếu là đất tái định canh vì sao lúc họ vào khai hoang không có cơ quan nào ngăn chặn, đến nay đã khai hoang xong và trồng cây công nghiệp thì UBND huyện vào thu hồi cấp đất cho các hộ dân tái định cư. Các hộ dân này đề nghị, nếu UBND huyện Ðác Glong muốn thu hồi diện tích đất này cấp cho các hộ tái định cư Dự án thủy điện Ðồng Nai 3 thì phải hỗ trợ công khai hoang và đền bù toàn bộ cây trồng trên đất cho họ. Chính vì sự tắc trách này đã dẫn đến tình trạng tranh chấp đất đai tại khu vực cấp đất tái định canh và đến nay, gần 400 hộ dân thuộc diện tái định cư Dự án thủy điện Ðồng Nai 3 ở xã Ðác Plao vẫn chưa thể canh tác trên diện tích đất đã được cấp.
Các cấp chính quyền và các ngành chức năng của huyện Ðác Glong và tỉnh Ðác Nông cần khẩn trương kiểm tra và có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp đất đai nêu trên, tạo điều kiện cho các hộ dân tái định cư Dự án thủy điện Ðồng Nai 3 ở xã Ðác Plao yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống, bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: