Đã đến lúc phải chú trọng hơn tới quy hoạch và thiết kế nghĩa trang trong quy hoạch đô thị hiện đại tiết kiệm đất và bảo vệ môi trường trong lành. Dù chưa có được công nghệ hỏa táng không khói bảo vệ môi trường như các nước phát triển, các nghĩa trang đô thị cũng không thể quá tải gây ô nhiễm trầm trọng như hiện nay.
Dự án Công viên nghĩa trang Mai Dịch sẽ bàn giao năm 2014
Môi trường chưa trong lành
Cùng với cải tạo các khu nhà "ổ chuột” và khu nghèo đô thị, cần quy hoạch nghĩa trang, hình thành vành đai xanh và không gian mở cho các thành phố, lồng ghép vấn đề môi trường vào quy hoạch các lĩnh vực cấp nước, quản lý chất thải rắn, nghĩa trang... Đó là định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị quốc gia có nhấn mạnh tới Chương trình quốc gia về bảo vệ môi trường cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn cân bằng sinh thái đô thị. Thực tế thì sao?
Theo một khảo sát mới đây của Trung tâm Nghiên cứu và Quy hoạch Môi trường Đô thị Nông thôn (Bộ Xây dựng), quy hoạch nghĩa trang tại 15 đô thị cả nước phần lớn chỉ dừng ở mức nêu tên, vị trí, diện tích nghĩa trang nhân dân hiện có, hoàn toàn không đề cập đến công nghệ táng cũng như hiện trạng công tác quản lý quy hoạch, xây dựng nghĩa trang.
Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cũng cho rằng nghĩa trang và mai táng hiện đang là một vấn đề nan giải ở hầu hết các đô thị và chưa được ổn định. Trong hầu hết các đô thị, khoảng cách từ nghĩa trang đến khu dân cư gần nhất chỉ từ vài mét đến vài trăm mét. Thậm chí tại nhiều đô thị, khu dân cư nằm tiếp giáp hoặc xen kẽ với nghĩa trang. Theo kết quả khảo sát 38 đô thị thì chỉ có 5 đô thị (chiếm 13%) có khoảng cách hơn 1.500m (đạt Tiêu chuẩn Việt Nam 4449-1987). Hầu hết chưa có hệ thống thoát nước đảm bảo vệ sinh mà hoàn toàn dựa vào độ dốc địa hình tự nhiên thoát nước trực tiếp ra các ao hồ, ruộng trũng xung quanh.
Nghĩa trang ở Hà Nội thời gian qua, theo Viện Kiến trúc quy hoạch Đô thị và Nông thôn (Bộ Xây dựng), quy hoạch chưa được chú trọng, đặc biệt là công nghệ táng. Hầu hết các nghĩa trang không đạt chuẩn. Hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom và xử lý nước thấm đều chưa có. Hàm lượng các chất độc hại có trong nước mặt và nước ngầm cao gấp nhiều lần cho phép.
Hà Nội khuyến khích hỏa táng
Các nghĩa trang trên địa bàn Hà Nội đã quá tải - không có quy hoạch - không dịch vụ và không biết khi nào phải di dời. UBND TP Hà Nội vừa có chính sách hỗ trợ khuyến khích hỏa táng trên địa bàn.
Từ năm 2013 khi thực hiện hỏa táng tại các cơ sở của Hà Nội, người dân hộ khẩu thường trú tại Hà Nội được hưởng mức hỗ trợ chi phí hỏa táng 3 triệu đồng/trường hợp đối với người lớn và 1,5 triệu đồng/trường hợp với trẻ em dưới 6 tuổi. TP cũng hỗ trợ chi phí vận chuyển 500.000 đồng/trường hợp, đối với khu vực nội thành và 1 triệu đồng/trường hợp, đối với khu vực ngoại thành. Quy định mới thực hiện trong 3 năm từ 2013-2015.
Hà Nội cũng mới thông qua Quy hoạch nghĩa trang thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Định hướng quy hoạch nghĩa trang Hà Nội đến năm 2030 sẽ cải tạo và xây mới 14 nghĩa trang tập trung. Các nghĩa trang hiện hữu sẽ phải trồng cây xanh bao quanh, giảm thiểu sự lộ diện ra ngoài các tuyến đường giao thông.
Cùng với xây mới các nghĩa trang, Hà Nội từng bước đóng cửa các nghĩa trang tập trung trong vòng 3 năm tới. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, quy hoạch cần quan tâm hơn đến hệ thống nghĩa trang hình thành tự phát xen kẽ trong khu dân cư, vì các nghĩa trang này không đáp ứng yêu cầu về quản lý, dịch vụ và môi trường. Các nghĩa trang phân tán, có quy mô nhỏ hoặc không nằm trong quy hoạch chung sẽ phải dần dần đóng cửa, trồng cây xanh cách ly.
Song quy hoạch nghĩa trang còn khá chung chung, 9 nghĩa trang mới quy hoạch diện tích trên 320 héc ta chưa quy hoạch phân khu chi tiết, khiến chính quyền các huyện e ngại, không muốn đưa nghĩa trang về địa phương mình.
Gợi mở nhiều ý tưởng đẹp
Trên thế giới xuất hiện nhiều ý tưởng thiết kế mới nghĩa trang thành phố dựa trên các quan điểm giải quyết các vấn đề phát triển đô thị như tiết kiệm đất đai, sinh thái môi trường, xã hội học... minh chứng cho xu thế xây dựng nghĩa trang hiện nay và trong tương lai. Những khu nghĩa trang này xanh mát chẳng khác nào một công viên với nhiều loài cây, hoa tuyệt đẹp nở vào mùa hè và những cây phong thay lá, chuyển sắc vào mùa thu, đông. Khu nghĩa trang thường xuyên tổ chức các tour tham quan cuối tuần cho du khách thích tìm hiểu lịch sử và các danh nhân trong vùng.
Giữa năm ngoái, Công ty And Vinyly (Anh) còn mở một dịch vụ rất "độc”: Làm đĩa than (đĩa vinyl) ghi âm từ tro người chết. Với dịch vụ dùng tro hỏa táng để làm đĩa thu âm, người thân có thể nghe được những điều người nằm xuống muốn nhắn nhủ sau khi qua đời, từ một lời tâm sự, một bản nhạc…
Trong khi ở Việt Nam, giải pháp kiến trúc, quy hoạch các nghĩa trang theo xu hướng "Công viên nghĩa trang”, không có chút nào đìu hiu, cũng đã xuất hiện. Hay cách lưu tro hài cốt tại các ngôi chùa cũng đáp ứng được nhu cầu tâm linh của người Á Đông. Như Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên ở Kỳ Sơn, Hòa Bình, cách Hà Nội hơn 50km, do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Toàn Cầu đầu tư trên diện tích 98 ha của 9 quả đồi, có thể tiếp nhận hàng trăm nghìn mộ, được chia lô, phân khu rõ ràng và có hệ thống thu gom, xử nước thải, môi trường hiện đại. Chi phí cho mộ đơn, mộ đôi ở Lạc Hồng Viên khoảng 15 triệu đồng/mộ. Ban Quản lý nghĩa trang có dịch vụ cúng giỗ online hay chăm sóc mộ trọn đời; chọn hướng đất xây phần mộ theo bản mệnh…
Tiếc là những nghĩa trang công viên xanh mát bóng cây, nơi "nhận hết niềm vui nơi cõi sống” theo xu hướng này ở ta chưa nhiều.