Nền kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2021 và sẽ đạt tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5 đến 7% từ năm 2022, Ngân hàng Thế giới dự báo. Ảnh: Ngân hàng Thế giới.
Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 24.8 đã tổ chức họp báo trực tuyến ra mắt báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam với chủ đề “Việt Nam Số hóa - Con đường đến tương lai”.
Tại báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tại họp báo, các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới cho rằng, sau 17 tháng sống trong đại dịch COVID-19, trong khi một số quốc gia trên thế giới được kỳ vọng sẽ hồi phục lại ngay sau đợt suy thoái kinh tế lớn nhất trong 80 năm qua nhờ chiến dịch tiêm vắc-xin diện rộng. Phần lớn các quốc gia - bao gồm các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển, và các quốc gia thu nhập thấp - đang bị trói chân trói tay do hạn chế khả năng tiếp cận vắc-xin và nguồn lực tài chính để duy trì chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng nhằm kích hoạt quá trình hồi phục.
Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, Hoa Kỳ, Khu vực đồng Euro, và Trung Quốc sẽ phục hồi và tăng trưởng lần lượt ở các mức 5,4%, 6,8% và 8,6% trong năm 2021. Ngược lại, các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển - ngoại trừ Trung Quốc – sẽ tăng trưởng 4,4%, trong khi các quốc gia thu nhập thấp chỉ tăng trưởng bình quân 2,2% trong năm.
Trong bối cảnh bất định trên toàn cầu như vậy, theo Ngân hàng Thế giới nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng trong nửa đầu năm 2021, nhưng đang phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng cả trong và ngoài nước, bao gồm đợt dịch COVID-19 bùng phát cuối tháng 4.
Sau khi có kết quả xuất sắc về kiểm soát dịch COVID-19 và đạt được tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thuộc hàng cao nhất trên thế giới, ở mức 2,9% năm 2020, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng vững chắc 5,6% trong nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với đợt bùng phát COVID-19 nghiêm trọng nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch, một phần do tỷ lệ tiêm vắc-xin còn thấp.
Kể từ đầu tháng 5, các hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ ngày càng bị trói chân trói tay bởi các biện pháp khoanh vùng và cách ly xã hội nhằm kiềm chế vi-rút lây lan trong cộng đồng. Đến giữa tháng 7, các biện pháp hạn chế đi lại được mở rộng, các tỉnh phía Nam, thành phố Hồ Chí Minh và sau đó là Hà Nội phải thực hiện cách ly xã hội nghiêm ngặt, gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế.
Trong khi đó, nền kinh tế còn phải đối mặt với rủi ro gia tăng áp lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế khi các đối thủ có tốc độ tiêm vắc-xin vượt trội đang tái khởi động hoạt động sản xuất và có khả năng chiếm lại một số thị phần bị mất vào tay Việt Nam do đứt gãy sản xuất vì dịch COVID-19 năm 2020. Chính vì thế, nền kinh tế có thể bị mất đi cả động lực tăng trưởng tronnước và động lực tăng trưởng từ khu vực kinh tế đối ngoại, nếu không nhanh chóng kiểm soát đợt bùng phát dịch đang diễn ra.
Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra rằng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy tăng trưởng kinh tế của quốc gia có sự tương quan chặt chẽ với cường độ của biện pháp hạn chế đi lại cũng như tỷ lệ tiêm vắc-xin cho người dân. Phân tích gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy cứ thêm mỗi tháng cách ly, sản lượng công nghiệp trung bình có thể giảm gần 10%.
Quan hệ tương quan đó cũng có thể thấy ở Việt Nam trong đợt cách ly xã hội toàn quốc vào tháng 4.2020, khi sản xuất công nghiệp và tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đều giảm đột ngột, và điều đó có thể sẽ lại diễn ra trong hoàn cảnh như hiện nay.
Cũng theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ tiêm vắc-xin thấp sẽ càng làm tăng nỗi đau kinh tế của Việt Nam vì Chính phủ không thể nhanh chóng nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm giúp nền kinh tế phục hồi. Các quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc-xin cao đang gỡ bỏ hạn chế đi lại trong nước và mở cửa nền kinh tế. Một số nước còn cho phép thương gia và du khách đã tiêm vắc-xin đầy đủ được nhập cảnh, qua đó giúp hồi sinh hoạt động kinh tế, bao gồm cả việc chuyển sang xuất khẩu những mặt hàng cạnh tranh trực tiếp với xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài tác động kinh tế vĩ mô, đại dịch cũng ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống hàng ngày của người lao động, doanh nghiệp và hộ gia đình. Tuy nhiên, những tác động đó không dễ đo lường vì chúng biến thiên theo thời gian, phụ thuộc vào quy mô của đại dịch và mức độ nghiêm ngặt của các hạn chế đi lại.
Dự báo về viễn cảnh trước mắt và trong trung hạn (2021 – 2023), các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới dự báo, nền kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2021 và sẽ đạt tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5 đến 7% từ năm 2022. Dự báo này được điều chỉnh giảm so với dự báo 6,8% cho năm 2021 trong Báo cáo Điểm lại kỳ trước ban hành vào tháng 12.2020, và còn phụ thuộc vào các rủi ro tiêu cực. Dự báo này cũng thấp hơn so với mục tiêu tăng trường 6% của Chính phủ trong năm 2021.
Ngân hàng Thế giới cho biết, việc điều chỉnh giảm tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 liên quan đến đợt bùng phát dịch gần đây, dự kiến sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Tuy nhiên, giả định của dự báo là đợt dịch đang diễn ra hiện nay sẽ từng bước được kiểm soát, tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi trong quý IV. Phục hồi kinh tế cũng sẽ được hỗ trợ bằng cách đẩy nhanh triển khai thực hiện chiến dịch tiêm vắc-xin diện rộng để đảm bảo ít nhất 70% dân số trưởng thành được tiêm chủng vào cuối năm, nhằm ngăn ngừa các đợt bùng phát nghiêm trọng mới. Bất kỳ thay đổi nào tới giả định trên dĩ nhiên cũng đều ảnh hưởng đến dự báo.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: