Tình trạng ghi giá nhà đất trong hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn nhiều so với giá bán thực tế nhằm trốn thuế
Theo Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk khi tiếp nhận và xử lý hồ sơ chuyển nhượng bất động sản yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải kiểm tra thông tin người nộp thuế kê khai trên hồ sơ khai thuế. Thực hiện đối chiếu, so sánh giá đất thực tế tại địa bàn với giá chuyển nhượng trên hợp đồng để đánh giá tính đầy đủ, chính xác các thông tin trong hồ sơ thuế, sự tuân thủ pháp luật về thuế của người nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Trường hợp người nộp thuế kê khai giá chuyển nhượng không đúng thực tế thì phối hợp với cơ quan tiếp nhận hồ sơ hoặc người nộp thuế yêu cầu người nộp thuế giải trình, bổ sung, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Tập trung thực hiện kiểm tra hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh bất động sản, nhất là các doanh nghiệp thực hiện dự án bất động sản đã mở bán nhưng không công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong giao dịch mua bán bất động sản hiện nay, tình trạng bên bán và bên mua thống nhất mức giá trong hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn nhiều so với giá bán thực tế là rất phổ biến. Nhiều người cho rằng, thoả thuận này sẽ mang lại lợi ích cho cả người bán lẫn người mua. Cụ thể, người bán sẽ tránh được khoản tiền thuế thu nhập cá nhân khá lớn còn người mua cũng giảm phần nào tiền phải trả mua nhà đất.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các luật sư khi mua bán nhà đất các bên không nên vì lợi ích nhỏ trước mắt như vậy mà bất chấp vì khả năng sẽ gặp phải rủi ro pháp lý và thiệt hại lớn sau này.
Thứ nhất, việc các bên thỏa thuận giá mua bán nhà đất thấp hơn giá trị thực tế nhằm trốn thuế thu nhập cá nhân, đây là hành vi vi phạm pháp luật về thuế. Trường hợp thỏa thuận này nếu bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện sẽ tùy vào mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ hai, hợp đồng mua bán nêu trên dù đã được công chứng nhưng vẫn có thể bị tòa án tuyên vô hiệu vì hợp đồng được xác lập nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Khi hợp đồng bị tòa án tuyên vô hiệu thì các bên phải hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận (người bán hoàn trả tiền đã nhận, người mua hoàn trả nhà đất).
Như vậy, người mua sẽ bị thiệt hại rất lớn nếu người bán chỉ trả lại số tiền đã nhận bằng với số tiền ghi trong hợp đồng công chứng (số tiền này thấp hơn số tiền thực tế mà người mua đã trả), lúc này người mua cũng đành chấp nhận vì giấy trắng mực đen rất rõ ràng, không có bằng chứng để chứng minh mình đã đưa tiền cho người bán nhiều hơn.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: