Đó là nội dung rất nhỏ trong nhiều nội dung quan trọng của Nghị quyết 63/2014 vừa được Chính phủ ban hành nhưng lại có ý nghĩa lớn lao khi đã tháo gỡ được những ách tắc tồn tại nhiều năm qua về cách tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) khi chuyển nhượng BĐS.
Theo Luật Thuế TNCN 2007, có hai cách tính thuế TNCN khi chuyển nhượng BĐS: Một là thu 25% trên tiền lãi (được xác định bằng giá chuyển nhượng BĐS trừ giá vốn và các chi phí liên quan); hai là với trường hợp không xác định được giá vốn và chi phí liên quan thì thu 2% trên giá chuyển nhượng.
Ngay từ khi có hiệu lực, quy định này đã gây ra nhiều rối rắm, chung quy cũng chỉ vì cơ quan thuế và người nộp thuế không thể thống nhất được cách tính, nộp thuế theo mức 2% hay 25% mà trong nhiều trường hợp số tiền thuế phải nộp chênh lệch rất lớn, có khi lên đến vài chục tỉ đồng.
Thực tế đã có trường hợp người dân đầu tư căn hộ vào đúng thời kỳ bong bóng BĐS, sau đó phải bán lỗ hoặc bán hòa vốn nên muốn nộp thuế theo mức 25% tiền lãi (tức số thuế phải nộp bằng 0). Tuy nhiên, cơ quan thuế không chấp nhận mà bắt nộp theo mức 2% trên giá chuyển nhượng với lý do hợp đồng công chứng không có giá trị xác định giá vốn - giá bán, muốn nộp 25% trên chênh lệch, người bán phải có hóa đơn đỏ. Điều đó dẫn đến bất hợp lý bởi trường hợp này người bán nhà không phát sinh thu nhập mà vẫn phải nộp thuế.
Ngược lại, cũng có trường hợp người dân đề nghị nộp thuế theo mức 2% vì không có đủ chứng từ hợp pháp nhưng cơ quan thuế lại cho rằng trường hợp này xác định được giá mua và giá chuyển nhượng trên hợp đồng nên ấn định cách tính thuế theo mức 25%.
Báo chí đã nhiều lần lên tiếng về hai cách tính thuế làm khổ dân và làm khổ chính cơ quan nhà nước, đồng thời kiến nghị phương án tháo gỡ theo hướng nên quy định thống nhất một cách thu theo mức 2% để dễ dàng áp dụng; hoặc để cho người dân được chọn nộp theo mức 2% hay 25%. Tuy nhiên, khi sửa Luật Thuế TNCN thì quy định này vẫn được giữ nguyên và các văn bản hướng dẫn thực hiện (Nghị định 65/2013 và Thông tư 111/2013 của Bộ Tài chính) lại tiếp tục gây… ách tắc.
Đến nay, với sự mở đường của Nghị quyết 63/2014, vấn đề nan giải trên sẽ sớm được giải quyết bởi Chính phủ đã giao Bộ Tài chính trình phương án sửa đổi các quy định liên quan ngay trong quý III năm nay.
Để cho người nộp thuế được quyền lựa chọn cách nộp thuế cũng đồng nghĩa với việc dành phần có lợi nhất cho người dân. Phương châm “vì dân” ấy cần phải được lan tỏa tới từng cơ quan công quyền và cán bộ nhà nước, khi mà não trạng “đẩy khó cho dân” vẫn còn tồn tại khá phổ biến trong nền hành chính nước nhà.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: