Ngày 2/6, tại tọa đàm trực tuyến về phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) dành cho người thu nhập thấp tại Hà Nội, ông Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc Sở Xây dựng HN cho biết: "Trong thời gian qua, qua kiểm tra và phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, đã phát hiện và thực hiện thu hồi 10 căn hộ sai phạm.
Các trường hợp phát hiện này đều được thu hồi để bán cho các đối tượng được mua NƠXH theo quy định".
Ông Dũng cho biết thêm, hiện vẫn tiếp tục tăng cường quản lý chặt chẽ quỹ NƠXH, Thành phố đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của chủ đầu tư dự án NƠXH trong quá trình triển khai thực hiện dự án và quản lý, sử dụng NƠXH trên địa bàn Hà Nội. Qua đó, sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Đồng thời tiếp tục công khai, minh bạch các thông tin dự án trên địa bàn Thành phố để người dân biết, tham gia giám sát. Bổ sung các quy định quy định rõ các đối tượng tham gia phát triển và quản lý NƠXH, để NƠXH đến đúng người dân đủ điều kiện có nhu cầu mua, thuê, thuê mua loại nhà này.
Trước vấn đề này, ông Hồ Quang Lợi, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, có nhiều vấn đề liên quan đến NƠXH cần được làm rõ như các khu NƠXH, nhà thu nhập thấp hiện đang chưa có thiết yếu xã hội nên người dân chưa thể ở được.
Bên cạnh đó, giá nhà cho người thu nhập thấp cũng đang có nhiều bất cập. Nên có tình trạng, người thu nhập thấp không đủ tiền mua, còn những đối tượng không có nhu cầu ở thì lại mua được.
Ngoài ra, hiện đang tồn tại nghịch lý là một số khu đất trước đây dành cho các dự án NƠXH lại đang bỏ hoang trong khi có doanh nghiệp lại rất cần, vì thế cần rà soát các dự án chậm tiến độ để có biện pháp kịp thời, cần thiết thì thu hồi giao cho doanh nghiệp có khả năng thực hiện.
Phát hiện nhiều trường hợp sai phạm về nhà ở xã hội
Trước đó không lâu, tính đến giữa tháng 4, khu nhà thu nhập thấp Đặng Xá giai đoạn 1 (Gia Lâm, Hà Nội) đã đưa vào sử dụng được gần 3 năm, góp phần giải quyết nhu cầu bức xúc về nhà ở cho một bộ phận người thu nhập thấp của Thủ đô.
Tuy nhiên, việc mua bán kiểu “trao tay” đã và đang âm thầm diễn ra, bất chấp quy định sau 5 năm chủ sở hữu mới được bán lại nhà. Những người rao bán hoặc cho thuê nhà thu nhập thấp lại đa phần là do “thừa nhà”, không có nhu cầu sử dụng.
Chỉ tính riêng một tòa A1-D3, đã có đến 4-5 người muốn bán nhà. Hiện những căn nhà này đều cửa đóng then cài, không có người ở.
Theo ông Lương Văn Phan, Trưởng Tòa nhà C1-D4, Phó Ban Quản trị khu nhà thu nhập thấp Đặng Xá giai đoạn 1, tại đây đang có không ít nhà hiện đang cho thuê lại với giá 3-3,5 triệu đồng, hoặc sắm sửa nội thất sang trọng rồi thỉnh thoảng đến ở cho vui.
Như vậy nhà thu nhập thấp đã được bán không đúng đối tượng gây bức xúc cho cư dân - những người có nhu cầu thực sự về nhà ở.
“Có người mua nhà ở đây nhưng không ở, chỉ để nuôi chó hoặc chủ nhà thi thoảng mới xuất hiện trong khi nhà được đầu tư rất đàng hoàng. Hoặc có những phòng chủ mua không chỉ cho người khác thuê. Người thuê nhà lại nói rằng họ không có nghĩa vụ tham gia vào cộng đồng của tòa nhà”, ông Phan cho hay.
Như vậy có thể thấy rõ ràng, những người muốn bán nhà đều không có nhu cầu thực sự về nhà ở. Bằng cách nào đó, bằng các quan hệ cá nhân, một bộ phận người thu nhập cao đã qua vòng xét duyệt hồ sơ để mua được nhà thu nhập thấp.
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận định, tất cả những người được mua nhà thu nhập thấp đều phải có đầy đủ giấy tờ theo quy định, có xác nhận của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Nhưng vấn đề là ở chỗ, những người ký xác nhận cho họ đã làm đúng hay chưa, người duyệt các hồ sơ mua nhà có cẩn thận hay không, thậm chí không loại trừ nhiều trường hợp nể nang, quen biết.
Ban Quản lý dự án hoàn toàn có thể biết rõ các đối tượng thu nhập cao vẫn được mua nhà thu nhập thấp, kể cả những người đã bán trao tay. Theo ông Hùng, cần truy tới cùng trách nhiệm của những người liên quan đến việc bán nhà thu nhập thấp sai đối tượng, sai quy định, đồng thời thu hồi lại nhà của những đối tượng vi phạm.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: