Hàng loạt mặt bằng kinh doanh phải đóng cửa trước tác động của dịch Covidd-19.
Tình trạng này càng rộ hơn vào những tháng đầu năm 2021, đặc biệt là thời điểm tái bùng phát dịch vào tháng 4 vừa qua.
Chủ kiot đua nhau bán tháo
Chỉ cần vào Goole gõ từ khoá “cắt lỗ kiot”, hệ thống sẽ cho ra hàng loạt kết quả về thông tin các căn kiot, mặt bằng kinh doanh được rao bán cắt lỗ thời gian gần đây.
Vừa đầu tư hơn 30 triệu đồng để cho thuê căn kiot tại một dự án chung cư ở Hà Đông (Hà Nội) với giá 5 triệu đồng/tháng, thế nhưng làn sóng Covid lần thứ 4 đã khiến tình hình kinh doanh ngưng trệ. Khách thuê phá hợp đồng vì không có khả năng chi trả nên vợ chồng anh Nguyễn Đức Minh phải tìm cách bán tháo căn kiot.
Anh Minh cho biết, thực ra căn kiot diện tích 36m2 này đã được vợ chồng anh rao bán từ đầu năm 2020 với giá 23 triệu đồng/m2 nhưng không ai hỏi mua. Giá khởi điểm lúc mua là 21 triệu đồng/m2.
Hai vợ chồng anh tính toán rằng khi dự án được bàn giao, dân cư về ở thì nhu cầu kinh doanh dịch vụ tại dự án sẽ rất tốt nên đã quyết định mua đợi tăng giá sẽ bán kiếm tiền chênh lệch. Họ kỳ vọng sẽ bán với giá 28-30 triệu đồng/m2.
“Tuy nhiên, kể từ thời điểm xuất hiện dịch bệnh đến nay, dù đã rao bán nhiều lần nhưng vẫn chưa bán được. Việc cho thuê cũng phập phù vì khách thuê trả mặt bằng liên tục”, anh Minh cho biết.
Anh Minh cũng cho biết, khách gọi điện hỏi đa số là các công ty quảng cáo, hiếm hoi lắm mới có người muốn mua nhưng với điều kiện phải giảm sâu thêm vài giá.
Dù đã liên hệ với nhiều sàn môi giới, chiết khấu mức hoa hồng cao, thậm chí cắt lỗ còn 20 triệu đồng/m2 nhưng các sàn môi giới đều không có phản hồi.
Chị Hoa, chủ một căn kiot tại dự án chung cư khác ở Hà Đông cũng đang trong tình cảnh phải rao bán cắt lỗ nhưng vẫn chưa có người mua.
Căn kiot được chị rao bán với giá 900 triệu đồng có diện tích 46m2. Mức giá này đã giảm so với giá chị mua hơn 100 triệu đồng, chưa kể chi phí đầu tư mặt bằng cho khách thuê trước đó.
“Thời điểm này ai cũng khó khăn. Khách thuê muốn giảm giá sâu mới chịu thuê nhưng không ổn định do khách thường xuyên trả mặt bằng, hoặc chậm thanh toán nên tôi muốn bán để có tiền trả ngân hàng, không phải hàng tháng lo tiền lãi”, chị Hoa cho biết.
Cũng rao bán một căn kiot 40m2 ở Thanh Xuân, anh Bảo cho biết, thời điểm mua vào, loại hình này đang khá “hot” và được kỳ vọng sẽ tăng giá trong tương lai.
Do có khoản tiền nhàn rỗi, anh Bảo quyết định vay thêm ngân hàng để mua với mục đích cho thuê nhưng không hiệu quả. Nhất là từ khi dịch bùng phát, dù chịu khó treo biển cho thuê nhưng không có khách hỏi.
Xem thêm: Thông tin bđs hà nội
Để mặt bằng trống một năm, cuối cùng anh đành phải bán cắt lỗ hơn 100 triệu để không phải gánh chi phí vận hành, lãi ngân hàng hàng tháng.
Khảo sát trên một số trang rao vặt cho thấy những căn kiot được rao bán chủ yếu tập trung ở khu vực Hà Đông, Cầu Giấy, Thanh Xuân.
Tuy nhiên, mức giá cắt lỗ vẫn đang ở mức khá nhẹ, chưa đến mức lao dốc. Đa số thấp hơn giá gốc từ 100-200 triệu đồng, chưa kể chi phí đầu tư.
Chị Lê Thị Thanh, môi giới tại khu vực Hà Đông, Thanh Xuân, cho biết hơn một năm trở lại đây, chị được khá nhiều người nhờ rao bán kiot với giá rẻ.
Dù mức hoa hồng đưa ra khá hấp dẫn, mặt bằng cũng khá đẹp nhưng loại hình này hiện đang rất kén khách. Có những căn rao bán hơn một năm vẫn không có người hỏi mua.
Cũng theo môi giới này, dù dịch bệnh nhưng chị vẫn chốt đơn đều ở những sản phẩm căn hộ trung cấp, bình dân do nhu cầu ở của người dân vẫn lớn. Duy chỉ có loại hình kiot là khó có giao dịch.
Hàng loạt kiot được rao bán cắt lỗ.
Khó mua đi bán lại kiếm tiền chênh
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng giai đoạn này sẽ khó để đầu tư rồi cho thuê, mở cửa hàng.
Đó là một trong số nhiều lý do khiến cho việc cho thuê, bán kiot, mặt bằng bán lẻ trở nên khó khăn thời gian gần đây.
“Chờ mua đi bán lại với giá cao để kiếm tiền chênh cũng rất khó vì lúc này, kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh”, ông Đính cho biết.
Cũng theo ông Đính, khi thị trường bất động sản đang ở giai đoạn khó khăn do cơ chế chính sách tín dụng bị siết chặt, dịch dã liên miên, những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ phải “bán non” hoặc cắt lỗ để tránh áp lực lãi vay, bảo toàn vốn.
Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận cho thuê thương mại của Savills Hà Nội, cho biết giai đoạn trong dịch Covid-19, các đợt giãn cách xã hội đã thúc đẩy quá trình tham gia vào thương mại điện tử của nhiều chủ kinh doanh. Do đó, nhu cầu thuê mặt bằng giảm đi đáng kể.
Nhiều chủ mặt bằng ban đầu không giảm giá thuê, hoặc chỉ giảm rất ít, thì cuối cùng cũng phải chấp nhận xuống giá 20-30%, thậm chí 50% nhưng vẫn "mỏi mắt" tìm khách thuê.
“Nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thì cảnh đìu hiu của thị trường mặt bằng, nhà phố vẫn sẽ tiếp diễn", bà Minh nhận định.
Để thích ứng với dịch bệnh qua các giai đoạn khác nhau, bà Minh cho rằng các chủ mặt bằng bán lẻ (bao gồm shop house, các bên cho thuê trung tâm thương mại, các sàn khối đế của chung cư, tòa nhà thương mại) cần có những điều chỉnh linh động và thực tế.
Theo đó, nên điều chỉnh lại mức giá cho thuê và tiến độ thanh toán hợp lý, thay vì cho thuê "một mình một giá và một tiến độ thanh toán".
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: