Rộ trào lưu sau dịch
Gần đây, việc “bỏ phố về vườn” hay xây dựng các homestay/farmstay đang nổi lên như một xu hướng và được cho là thuận theo tự nhiên, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân.
Trong đợt nghỉ dịch cách đây vài tháng, chị Nguyễn Thu Hằng (Ba Đình, Hà Nội) tranh thủ tìm hiểu đất ở quê Hoà Bình. Nhà cách Hà Nội chưa đầy 50km, chị Hằng chưa từng nghĩ sẽ mua đất ở quê. Nghỉ ở một thời gian, sau khi tìm hiểu nhiều mô hình homestay, farmstay xung quanh đang cho thuê, chị Hằng mới thấy mình đã bỏ qua một tiềm năng lớn.
Với lợi thế gia đình có vườn và ruộng diện tích lớn, chị hoàn toàn có thể xây dựng được mô hình này. Hai vợ chồng cùng làm trong ngành du lịch, nhận thấy vẫn còn cơ hội, chị đi tìm đất để mua. Chỉ trong một tháng, chị nhanh chóng xuống gần 500 triệu đồng, mua hai mảnh đất.
Chị Hằng tính toán mua một căn hộ tại Hà Nội để cho thuê dịch vụ homestay hơn 1,5 tỷ đồng. Nhưng do ảnh hưởng của dịch, khách thuê không có. Nếu chuyển số tiền đó sang mua đất để làm dịch vụ du lịch, chị hoàn toàn có thể lựa chọn những mảnh đẹp có cả vườn và ao hồ.
Đầu tư trang trại du lịch nở rộ (Ảnh: D.A)
Mặc dù chậm chân nhưng chị Hằng vẫn cảm thấy ưng ý. Trong tương lai, chị Hằng có thể đầu tư trang trại sản xuất nông nghiệp, nhưng kết hợp kinh doanh "cơ sở lưu trú du lịch" theo mô hình "khu du lịch trải nghiệm nông thôn - farmstay" để khách du lịch lưu trú và trải nghiệm các hoạt động sản xuất, sinh hoạt tại nông thôn, tương tự như kinh doanh "nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê - homestay.
Tương tự chị Hằng, ông Trần Thanh Hải (Láng Hạ, Hà Nội) cũng vừa mua được mảnh đất hơn 1.000m2 tại Sóc Sơn. Đợt nghỉ dịch, gia đình ông thường xuyên đi nghỉ cuối tuần bằng ô tô tại các homestay ở Sóc Sơn. Những căn biệt thự bao gồm bể bơi, sân vườn rất phù hợp với nhu cầu của gia đình ông Hải. Nhiều thời điểm, dù dịch nhưng các căn cho thuê ở đây đều kín phòng cuối tuần.
Nhận thấy nhu cầu của gia đình cũng như tiềm năng của nghỉ dưỡng ven đô, ông Hải tranh thủ đi tìm đất để mua. Nhờ bạn bè, ông đã có được mảnh đất ưng ý. Tuy nhiên, ông Hải mới bắt đầu xây hàng rào xung quanh, còn tính tới làm nhà ông để dành vào thời gian tới.
“Nhu cầu nghỉ quanh đô khá cao nên chắc chắn sau này không có đất để mua, mình mua giờ đã đắt nhưng còn hơn là không bao giờ mua được”, ông Hải chia sẻ. Theo kế hoạch, sau khi xây tường rào, ông sẽ làm từng bước như san nền, trồng cây tạo cảnh quan, rồi mới tính chuyện xây nhà để ở. Với số vốn bỏ ra khoảng 1 tỷ đồng, ông Hải cho rằng đây sẽ là khoản tích cóp dần cho tương lai.
Không chỉ người trung niên mà ngay cả người trẻ cũng từ bỏ thành phố về quê xây dựng cơ nghiệp riêng. Thu Thảo (25 tuổi, TP.HCM) là một ví dụ. Đang làm nhân viên ngân hàng lớn, Thảo quyết định bỏ tất cả vốn liếng tích cóp được lên Lâm Đồng mua đất làm trang trại.
Khởi nghiệp với kiến thức ít ỏi về nông nghiệp nhưng Thảo không nản. Khu trang trại rộng hơn 2 ha Thảo trồng rau, nuôi gà và kết hợp mô hình du lịch. Theo tính toán, thời gian đầu Thảo sẽ cùng nông dân làm tốt mảng nông nghiệp. Sau đó, cô kết hợp với các công ty du lịch của bạn bè đưa khách về quê.
“Mọi người cứ nghĩ đi nước ngoài nhưng lại bỏ quên ngay trên đất nước mình vẫn có những nơi rất đẹp. Mình đã đi Thái hay Malaysia, họ làm du lịch nông nghiệp rất tốt”, Thảo cho hay. Với những khó khăn ban đầu nhưng Thảo tin tưởng mô hình kinh doanh này sẽ mang lại “trái ngọt” trong tương lai.
Dù thất bại nhưng giá đất tăng gấp đôi
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho biết, mô hình bất động sản farmstay được bắt nguồn từ các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ. Mới đây, mô hình này du nhập vào Việt Nam, bắt đầu được mở rộng và cải tiến phù hợp với nhu cầu thị trường.
Ông Trần Khánh Quang, một chuyên gia trong lĩnh vực này, cho hay, cách thức đầu tư homestay/farmstay theo hai dạng. Thứ nhất là “bỏ phố về vườn”, những bạn trẻ sẵn sàng bán hết nhà cửa về lập nghiệp. Thứ hai, nhóm đối tượng là cư dân thành phố muốn mua một mảnh vườn hay căn nhà nhỏ để làm nơi nghỉ dưỡng cuối tuần và cho thuê khi phòng trống.
Với nhóm thứ nhất, ông Quang bày tỏ quan điểm: “Đối tượng đó tôi thực sự rất hoan nghênh vì họ cảm thấy cuộc sống của mình nhẹ nhàng hơn. Còn dưới góc độ bất động sản, tôi quan sát thấy rằng sau một thời gian làm homestay, những bạn “bỏ phố về vườn” mà đam mê nông nghiệp thực sự, làm nghiêm túc, dù sau 5 năm có thể thất bại nhưng giá những lô đất đó lúc nào cũng tăng gấp đôi.”
Nhu cầu nhà ven đô tăng mạnh (Ảnh: D.A)
Tuy nhiên, ông cho rằng, mô hình này cũng tồn tại nhiều rủi ro. Về mặt pháp lý, không phải cứ có đất là xây được nhà. Nếu như người dân nông thôn đã sinh sống ở đó từ lâu, họ xây một căn nhà nhỏ thì có thể được chấp nhận, nhưng với người từ thành phố về, nếu không phải đất thổ cư thì chính quyền sẽ không cho phép xây dựng. Do đó, phải mua đất đã được chuyển đổi sang thổ cư.
Về mặt quản lý, nhà vườn hay farmstay đều cần đầu tư nguồn tài chính và công sức chăm sóc, duy trì không hề nhỏ. Ví dụ, sau khi mua mảnh đất hết 1 tỷ đồng, nhà đầu tư tiếp tục phải chi tiền cải tạo khoảng 200-300 triệu đồng, xây thêm nhà mất 400-500 triệu đồng, chưa kể hàng tháng phải bỏ ra tiền chăm sóc khoảng 10 triệu đồng.
Đồng thời, khi làm nhà vườn hay homestay lưu ý chọn khu vực có mật độ dân cư cao. Ông Quang chỉ ra thực trạng hiện nay, nhiều khu vực “sốt” giá như ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), giá đã tăng gấp 3-5 lần thậm chí ngang ngửa với TP.HCM nhưng mật độ dân cư cực kỳ thấp.
Trong tương lai, khu vực này có phát triển thành khu dân cư hoặc khu nghỉ dưỡng hay không? Nếu mua một lô đất trong rừng mà 10 năm tới nó vẫn là rừng hoặc thuộc diện bị nhà nước thu hồi thì tiền đầu tư sẽ trở nên vô ích.
Theo ghi nhận, mô hình farmstay mới xuất hiện trên thị trường theo xu hướng BĐS nghỉ dưỡng sinh thái. Đây là sản phẩm còn mới nên chưa được kiểm nghiệm về cách thức vận hành, tỷ suất sinh lời.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, tư vấn, nếu là "dự án khu du lịch trải nghiệm nông thôn - farmstay" được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và hoạt động kinh doanh du lịch thì là điều bình thường, cũng là mô hình đáng đầu tư.
Nhưng, nếu tổ chức, cá nhân tự ý phân lô đất nông nghiệp, đất rừng để xây dựng trái phép các cơ sở lưu trú du lịch và hoạt động kinh doanh du lịch dạng "farmstay" mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất thương mại, dịch vụ, thì cần phải được chấn chỉnh, xử lý kịp thời.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: