Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico phát biểu tại hội thảo
Ông Đức cho rằng, nếu đánh thuế tài sản thì phải tiếp cận từ góc độ toàn bộ tài sản, sau đó mới loại trừ tài sản nào đánh thuế, tài sản nào không. “Nếu chỉ đánh thuế nhà đất thì phải gọi đúng là “thuế bất động sản và quyền sử dụng đất” vì không đánh vào đất và không chỉ đánh vào nhà”, ông Đức lý giải. Theo ông, hiện dự thảo đang tách rời nhà và đất nhưng nếu đánh thuế cần cộng dồn cả nhà và đất.
Tại hội thảo, vị chủ tịch Basico đưa ra một số trường hợp loại trừ đánh thuế, gồm các trường hợp đã đánh thuế thu nhập (thuế thu nhập cá nhân), đã đánh thuế giao dịch (thuế giá trị gia tăng) và đối với cổ tức là tài sản đã đánh thuế thu nhập.
Việc đánh thuế tài sản, theo ông Đức, không nên đánh vào mọi người, mọi tài sản, mọi giá trị và cào bằng mức nộp thuế. Đánh thuế tài sản phải hướng đến đối tượng có khả năng nộp thuế, tức người giàu có và có thể miễn thuế cho người nghèo. Thuế tài sản cũng chỉ đánh vào tài sản có giá trị lớn (có thể miễn thuế với một diện tích tối thiểu) và có thể đánh lũy tiến với khởi điểm rất thấp. Mức thuế thấp nhất có thể là 0,1%, tối đa là 10% với người nhiều tài sản.
Ông Đức lấy ví dụ, người sở hữu căn nhà 10 tỉ đồng thì việc đánh thuế là đương nhiên. Nhưng đối với trường hợp sở hữu 2 căn nhà trị giá 1 tỉ đồng, trong đó có một căn dùng để ở, một căn để cho thuê thì việc đánh thuế là không hợp lý. Bởi lẽ căn nhà cho thuê đã phải chịu nhiều loại thuế như thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng.
Vị luật sư này cho rằng, để việc đánh thuế đảm bảo công bằng, cần xây dựng một cơ sở dữ liệu thông tin chuẩn xác về nhà, đất, chủ sở hữu nhà, đất đó. Tránh trường hợp người có 10 căn nhà nhưng nộp thuế lại thấp hơn người có 1 căn nhà.
Ông Đức cũng cho rằng, chỉ nên đánh thuế tài sản có giá trị từ 5 tỉ đồng trở lên. Mức đánh thuế này cao gấp nhiều lần so với đề xuất đánh thuế nhà ở có giá trị trên 700 triệu đồng mà Bộ Tài chính đưa ra trước đó.
“Hiện Bộ Tài chính đề xuất mức thuế với nhà là 0,4% và với đất cũng là 0,4%. Mức đề xuất này là cào bằng giữa người có thu nhập cao và thu nhập thấp. Việc áp dụng mức thuế như nhau là không công bằng và không đạt được mục tiêu đánh thuế”, ông Đức nhấn mạnh và kiến nghị việc đánh thuế cần tránh tình trạng “thuế chồng thuế”.
Hiện đã có 174/193 nước áp dụng thuế tài sản. Sắc thuế này trở thành nguồn thu quan trọng, ngày càng tăng của các quốc gia, giúp tăng tính tự chủ cho các địa phương. Hầu hết các nước trên thế giới chỉ đánh thuế tài sản đối với bất động sản, và thường thu thuế cả nhà và đất. Do tập trung đánh thuế vào tài sản hữu hình (nhà và đất), nên khó trốn tránh, dịch chuyển, không gây bóp méo chính sách, có khả năng cưỡng chế cao. Thuế tài sản đánh vào bất động sản được cho là sẽ làm lành mạnh thị trường, tránh đầu cơ. Ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Campuchia, Phi-lip-pin, Thái Lan và Lào, đất bỏ không, chưa đưa vào sử dụng bị đánh thuế rất cao. Đối với bất động sản thứ 2, Pháp áp dụng mức thuế suất thu thêm 20%, Anh áp dụng mức thuế suất thuế trước bạ đối với giá trị giao dịch của bất động sản mua thêm (sở hữu mới) cao hơn mức thuế suất đối với bất động sản sở hữu đầu tiên là 3%. Ở Việt Nam, thuế tài sản nên áp dụng với nhà, đất (thay thế thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, bổ sung thêm thuế đối với nhà), có miễn, giảm đối với nhà, đất là tài sản công; nhà, đất sử dụng cho mục đích tôn giáo, phúc lợi công cộng… Các khoản thu khác đối với tài sản (lệ phí trước bạ, thuế chuyển quyền sử dụng đất…) vẫn giữ nguyên theo quy định hiện hành. Về đối tượng chịu thuế, nên quy định ngưỡng diện tích chịu thuế đối với nhà, đất (vượt một ngưỡng nhất định mới phải nộp thuế). Về giá nhà, đất để tính thuế, ở mức ngắn hạn cần căn cứ theo khung giá nhà, đất do UBND cấp tỉnh quy định; trung và dài hạn cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nhà, đất, trong đó bao gồm cả giá nhà, đất trên thị trường. Luật thuế tài sản nên quy định khung thuế suất, trên cơ sở đó phân cấp cho các địa phương tự quy định mức thuế suất phù hợp với trình độ phát triển của địa phương. Có các mức thuế suất phân biệt theo mục đích sử dụng đất nhằm đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời đảm bảo tính ưu tiên đối với từng lĩnh vực trong từng thời kỳ. Bà Lê Thị Mai Liên, Trưởng Ban Chính sách Tài chính công, Viện chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: