Luật Quy hoạch: Còn nhiều băn khoăn

Thực trạng công tác quy hoạch bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém đã đặt ra yêu cầu bức thiết phải đổi mới công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, vì vậy việc ban hành Luật Quy hoạch là hết sức cần thiết.

Thực trạng công tác quy hoạch bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém đã đặt ra yêu cầu bức thiết phải đổi mới công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, vì vậy việc ban hành Luật Quy hoạch là hết sức cần thiết.
Luật Quy hoạch sẽ tác động đến một loạt các luật, pháp lệnh hiện hành. Ảnh: ST.

Tuy nhiên, dự thảo Luật Quy hoạch cho thấy đây là một dự luật sẽ tác động đến một loạt các luật, pháp lệnh hiện hành, do đó xung quanh dự luật này còn có khá nhiều ý kiến băn khoăn, trái chiều.

Chồng chéo, mâu thuẫn, lãng phí

Quy hoạch là một trong những công cụ hữu hiệu để giúp các cấp, các ngành trong việc chỉ đạo, điều hành và thực hiện những nhiệm vụ chính trị, cụ thể hoá các mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và môi trường. Tuy nhiên, theo đánh giá, sau 30 năm đổi mới, nền kinh tế của đất nước đã có nhiều thay đổi, quy mô nền kinh tế lớn gấp nhiều lần trước đây, trong khi công tác quy hoạch chưa theo kịp sự đổi mới và đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, gây khó khăn trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành, làm lãng phí nguồn lực của đất nước, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, DN, người dân.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua quy hoạch được lập quá nhiều nhưng chất lượng quy hoạch thấp, quy hoạch không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi, gây lãng phí nguồn lực của đất nước. Cụ thể, thời kỳ 2001-2010 Việt Nam mới chỉ lập 3.114 quy hoạch, nhưng đến thời kỳ 2011-2020 đã lập 12.860/19.285 quy hoạch. Quy hoạch xi măng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến nay đã có 3 lần điều chỉnh. Giai đoạn 2011-2020, nhu cầu vốn đầu tư ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nằm trong các quy hoạch là khoảng 385-390 tỷ USD, nhưng thực tế khả năng huy động chỉ đạt khoảng 210-215 tỷ USD (khoảng 50%). Bên cạnh đó, theo quy hoạch phát triển cây cao su dự báo đến năm 2020 diện tích cao su sẽ ổn định 800.000 ha, nhưng đến nay đã vượt quy hoạch trên 155.700 ha. Quy hoạch cà phê, hồ tiêu cũng trong tình trạng tương tự khi đến nay diện tích cà phê của các tỉnh Tây Nguyên đã vượt quy hoạch 114.000 ha, diện tích trồng hồ tiêu cả nước đến năm 2020 là 50.000 ha nhưng đến năm 2015 đã vượt 35.000 ha. Chưa kể, các quy hoạch thiếu gắn kết, không thống nhất và còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn làm giảm hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, hàng ngàn bản quy hoạch của chúng ta được ban hành ở nhiều thời điểm khác nhau, hiện được quy định rải rác tại 95 luật, pháp lệnh, trong đó riêng quy định trực tiếp về quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm được quy định tại 73 luật, pháp lệnh, điều này cho thấy công tác quy hoạch đã bộc lộ nhiều bất cập, vừa thừa, vừa thiếu, chất lượng thấp, chồng chéo, mâu thuẫn, câu chuyện xin - cho tồn tại ở hầu hết các quy hoạch sản phẩm. Nếu vẫn giữ nguyên trạng thế này đất nước sẽ khó phát triển vì thế Chính phủ nhiệm kỳ trước và nhiệm kỳ này đều nhất trí cao việc bỏ các quy hoạch lãng phí này.

Như vậy, việc ban hành Luật Quy hoạch là cần thiết và cấp bách hiện nay để khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên. Theo dự thảo, Luật Quy hoạch gồm 8 chương, 69 điều được soạn thảo theo hướng sẽ điều chỉnh chung các loại quy hoạch phát triển trên phạm vi cả nước về lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện các loại quy hoạch, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân, DN tham gia hoạt động quy hoạch.

Sửa 43 luật - chưa từng có trong tiền lệ

Tuy nhiên, hiện nay có khá nhiều quy định tại dự thảo luật như phạm vi điều chỉnh, mối liên hệ giữa Luật Quy hoạch với các luật liên quan, thẩm quyền phê duyệt, thẩm định quy hoạch… dẫn tới các cơ quan chức năng băn khoăn, lo ngại. Theo điều 67 dự thảo luật, sẽ có tới 43 điều khoản tại 43 luật, pháp lệnh có quy định về quy hoạch sẽ được sửa đổi, bãi bỏ. Dự thảo cũng quy định Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh...

Cho ý kiến về mối quan hệ của các điều khoản của Luật Quy hoạch với các luật khác, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng phần thuyết minh của dự thảo luật chỉ mới nêu chung chung lý do sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh này do mâu thuẫn, chồng chéo và xung đột với nhau mà chưa có thuyết minh cụ thể cho từng nội dung sửa đổi, vì thế cần làm rõ những nội dung này để việc sửa đổi thuyết phục hơn.

Bên cạnh đó, việc tác động tới 43 luật, pháp lệnh của Luật Quy hoạch được xem là chưa từng có trong tiền lệ, vì thế, nhiều ý kiến cho rằng cần hết sức cân nhắc vấn đề này. Theo bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT), điều 67 của dự thảo luật bãi bỏ khá nhiều điều khoản của các luật, pháp lệnh thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường, trong đó đáng chú ý là có một số luật vừa được thông qua và có hiệu lực từ 1-7-2016 như Luật Khí tượng thủy văn, Luật TNMT biển… “Bộ TNMT thấy rằng không thể xóa bỏ một khối lượng lớn các điều khoản trong các luật chuyên ngành một cách cơ học như đã nêu ở điều 67, vì như vậy sẽ phá vỡ tính thống nhất nội tại của bản thân các luật chuyên ngành, làm mất đi sự gắn kết chặt chẽ, tạo ra những mảnh ghép rời rạc, khó thực hiện, không khả thi, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý nhà nước. Điều này có thể gây ra những hệ lụy nhất định, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang phức tạp, biến đổi khó lường như hiện nay, do đó cần hết sức cân nhắc khi quy định như trong dự thảo luật. Không thể tự nhiên bỏ đi một số điều khoản trong các quy định thống nhất hiện nay”, bà Nguyễn Thị Phương Hoa nói.

Liên quan đến phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia, dự thảo luật vẫn bảo lưu quy định Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia, và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh dù trước đó, thảo luận vấn đề này, Thường vụ Quốc hội đã đề nghị xem xét thẩm quyền của Quốc hội trong việc quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia. Điều này, theo đại diện Bộ TNMT, là chưa phù hợp khi trước đó, Luật Đất đai quy định Quốc hội có thẩm quyền quyết định quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia. Như vậy, dự thảo luật chưa thống nhất, đồng thời cũng chưa có những quy định cụ thể đối với quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện mà hiện nay mới chỉ có kế hoạch sử dụng đất. Như vậy, kế hoạch sử dụng đất được lập nhưng không có đủ căn cứ thì tính khả thi sẽ không cao.

Trao đổi về vấn đề này, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, ông ủng hộ việc ban hành Luật Quy hoạch, đồng thời ông nhấn mạnh quy hoạch tổng thể quốc gia do Chính phủ lập nhưng phê duyệt phải do Quốc hội, vì đây là văn kiện quan trọng hàng đầu về phát triển kinh tế, do đó Quốc hội phải phê chuẩn những văn kiện này.

Ông Liêm cũng cho rằng, đến thời điểm này chúng ta mới ra Luật Quy hoạch là đã quá muộn, vì thế cần ban hành kịp thời và nếu có gì cần điều chỉnh thì qua thực tế thực hiện luật chúng ta sẽ điều chỉnh. Nếu không ban hành luật, cứ đợi có được những cái đã thực sự hoàn chỉnh thì không biết bao giờ mới có luật để thi hành, mà không thi hành thì không biết lấy gì mà điều chỉnh.

Luật Quy hoạch hướng tới sự cải cách toàn diện về công tác quy hoạch để quy hoạch thực sự là công cụ quan trọng, hữu hiệu giúp Nhà nước kiến tạo sự phát triển; là giải pháp quan trọng để đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME

Chia sẻ & Bình luận

ĐĂNG KÝ THIẾT KẾ
X HOME - THINKDIFFERENTLY * NGÔI NHÀ ĐẶC BIỆT - SUY NGHĨ KHÁC BIỆT chuyên thiết kế, thi công xây dựng, nội thất, sơn bả thạch cao, mỹ thuật, sân vườn tiểu cảnh, cây cảnh, cây công trình. Hotline: 0965.163.169 - 0975.163.169 - 0949.163.169 - 0902.112.114 - 0915.511.577

CHAT VỚI

Chát 24/24