Về quy định, Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội, tại phiên họp cuối tuần qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đã tiến hành phát phiếu xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội về vấn đề này. Kết quả, có 265 đại biểu đồng ý, 109 đại biểu không đồng ý. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có tờ trình xin Quốc hội cho giữ quy định thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích phát triển kinh tế - xã hội như trong Dự thảo Luật.
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị, khi thu hồi đất, Nhà nước cần đảm bảo công bằng cho người sử dụng đất
Tuy nhiên, để hạn chế tùy tiện trong việc thu hồi đất, Điều 63 của Dự thảo Luật đã quy định theo hướng cụ thể một số dự án, công trình thuộc diện Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội; bổ sung quy định việc thu hồi đất phải được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua đối với các dự án, công trình xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn, cụm công nghiệp, khai thác khoáng sản quy mô lớn, khu chế biến nông, lâm, thủy, hải sản tập trung.
Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, cần quan tâm rà soát lại chính xác trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình phát triển kinh tế, xã hội; đồng thời cần làm rõ mục đích và thẩm quyền thu hồi đất. Đây cũng là quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các Phó chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn, Uông Chu Lưu.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng còn đề nghị, đối với những dự án Nhà nước không đứng ra thu hồi, người dân và doanh nghiệp tự thỏa thuận cũng phải quy định rõ trình tự, thủ tục trong Dự thảo Luật.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, nên quy định những hạn mức đất được phép thu hồi theo từng cấp, hạn chế giao quyền cho địa phương để tránh thu hồi tràn lan.
Vấn đề bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, nhiều ý kiến đề nghị Nhà nước phải đảm bảo công bằng cho người sử dụng đất bằng cách, người bị thu hồi đất phải được bồi thường theo mục đích đang sử dụng hợp pháp, người có đất khi Nhà nước thu hồi được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, đảm bảo đời sống.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, Dự thảo Luật cần quy định rõ trên loại đất cụ thể nào đó, người dân có quyền gì và khi thu hồi họ được hưởng gì để tạo sự đồng thuận, nhằm đảm bảo công bằng cho người dân về vấn đề bồi thường đất.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiến nghị, việc đền bù cần tính đến diện tích đất ngoài định mức, như diện tích người dân khai hoang trong thời gian dài, bỏ nhiều công sức.
Về giá đất, đa số ý kiến đại biểu tán thành quy định về bảng giá đất và giá đất cụ thể của Dự thảo Luật. Tuy nhiên, cũng còn nhiều ý kiến đề nghị nên xây dựng bảng giá đất định kỳ hàng năm hoặc 2 năm 1 lần hoặc 5 năm 2 lần và đề nghị quy định trong hồ sơ trình Hội đồng nhân dân xem xét thông qua bảng giá đất phải có văn bản phản biện của Mặt trận Tổ quốc cùng cấp và các tổ chức chính trị - xã hội là thành viên chủ yếu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, cũng
có ý kiến đề nghị, quy định thành lập cơ quan định giá đất độc lập với cơ quan quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành làm căn cứ để tính toán các nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất với Nhà nước như thu tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; thuế; phí, lệ phí liên quan đến đất đai. Giá đất trong bảng giá vừa bảo đảm ổn định để định hướng cho giá đất thị trường, lại vừa phù hợp với giá thị trường. Vì vậy, nên giữ quy định về vấn đề này như trong Dự thảo Luật.
Theo dự kiến, Dự án Luật Đất đai sửa đổi sẽ được Chính phủ trình tại kỳ họp vào tháng 10 tới để Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: