Ông Lê Minh Châu - trưởng ban quản lý các KCN tỉnh khẳng định: “Xỉ thép không có gì ô nhiễm cả.” Minh chứng thêm cho điều này, Trung tá Lê Văn Ninh - Phó trưởng phòng cảnh sát môi trường công an tỉnh dẫn chứng: “Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, và Trường Đại học Bách khoa TP HCM đã có tài liệu chứng minh chất thải ngành thép không nguy hại. Hiệp hội thép cũng có văn bản cho rằng chất thải thép không nguy hại. Vừa rồi Bộ TNMT chính thức có văn bản không cho chôn lấp.”
Xỉ thép không nguy hại
Còn ông Lương Thanh Chương - Giám đốc Cty CP môi trường Xanh, đơn vị có nhiều nghiên cứu để ứng dụng chất thải xỉ thép, phân tích : “Thép phế liệu đem luyện ra phôi thì phải nung ở nhiệt độ 1.6000C. Như vậy, tất cả các kim loại nặng độc hại có trong đầu vào nguyên liệu sẽ thăng hoa vì những kim loại nặng độc hại như chì, kẽm, thủy ngân, chỉ ở nhiệt độ 700 độ C đã thăng hoa. Lò đốt chất thải nguy hại trên thế giới hiện nay cũng chỉ ở nhiệt độ 1.200 độ C. Vì thế, xỉ thép sau khi qua quá trình nung ở nhiệt độ 1.600 độ C, tất cả chất hữu cơ độc hại nếu có trong đầu vào bị tiêu hủy hoàn toàn. Các nhà khoa học đã so sánh xỉ thép giống như núi lửa phun trào, cho nên xỉ này rất tốt để thay cho các vật liệu tự nhiên”
Thực chất, xỉ thép có tính chất vô hại, tính chất cơ học và hoá học của xỉ thải tương tự như đá, đá nghiền, cát tự nhiên. Qua nhiều thử nghiệm đã được tiến hành trên thế giới, những vùng nước được sử dụng xỉ thép làm bờ kè không hề có những thành phần độc hại như: cadmium, thuỷ ngân, crôm, chì, asen và sêlen - là những thành phần có thể có trong nguyên liệu thép phế liệu dùng luyện phôi thép.
Nguồn nguyên liệu
Trong thành phần của xỉ thép chứa rất nhiều khoáng chất, trong đó khoáng chất chính lại là thành phần của xi măng cho nên hòan tòan có thể tái sử dụng xỉ thép để làm vật liệu phụ cho xây dựng đường, làm cốt liệu thô cho bêtông và là một nguồn tài nguyên quý giá, nhất là trong điều kiện nguồn tài nguyên khoáng sản ngày càng cạn kiệt hiện nay. Ứng dụng lớn nhất của xỉ thép sau khi qua tái chế là làm đường giao thông và xây dựng các công trình công nghiệp. Tất cả các công trình sử dụng xỉ thép cho chất lượng tốt hơn sử dụng đá. Bởi thành phần của đá không nhiều khoáng chất như xỉ thép, thứ 2 hiệu quả kinh tế cao vì giá rẻ, thứ 3 là việc cấp phối của nó rất tốt.
Thực tế, trên thế giới từ hàng trăm năm qua, xỉ thép đã được sử dụng trong xây dựng đường giao thông và các công trình công nghiệp. Đặc biệt từ năm 1945 trở lại đây, khi công nghệ lò điện phát triển, xỉ thép từ các lò điện đều được tái chế để dùng trong ngành xây dựng, nhiều nhất là xây dựng giao thông. Ứng dụng nhiều nhất là Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc. Hiện nay các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan, ngay các nước lạc hậu ở Châu Phi cũng đã tái chế xỉ thép để dùng làm vật liệu cho ngành xây dựng các công trình hạ tầng. Ngoài ra, xỉ thải còn được tái chế thành hạt để sử dụng thay hạt Nix hoặc cát để dùng cho việc làm sạch bề mặt kim loại của ngành công nghiệp đóng, sửa tàu, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường. Đây cũng là nguồn nguyên liệu để sản xuất bêtông nhẹ chưng áp, sản phẩm thuộc nhóm vật liệu xây dựng không nung đang được Nhà nước khuyến khích áp dụng vì tiết kiệm tài nguyên, năng lượng và bảo vệ môi trường. Tại VN, từ nhiều năm qua, xỉ thép từ khu công nghiệp Thái Nguyên cũng đã được tái chế để làm nguyên liệu cho ngành xây dựng, kể cả ngành sản xuất xi măng vì chất phụ gia trong luyện phôi thép là thành phần chính trong xi măng.
Chôn lấp là lãng phí
Mới đây nhất, ngày 25/5/2011, TTg Chính phủ đã ký quyết định số 798 phê duyệt chương trình đầu tư chất thải rắn từ 2011 - 2020, trong đó mục tiêu giai đoạn 2011 -2015 phải thu gom được 80% chất thải công nghiệp thông thường. Theo đó ít nhất 70% chất thải rắn công nghiệp thông thường phải được tái chế, không được chôn lấp. Đồng thời các quy định của luật pháp về quản lý chất thải rắn cũng như tất cả các chính sách xuyên suốt của VN đều khuyến khích tái chế tái sử dụng chất thải.
Hội đồng thẩm định công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã khuyến cáo nên phối trộn xỉ thải sau khi được nghiền nhỏ cùng với đá, xi măng hoặc nhựa đường để làm các công trình đường giao thông, nền nhà xưởng hoặc đúc bê tông cho các công trình cảng biển, làm kè đê, chắn sóng chống xói lở rất tốt.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: