Trao đổi với báo chí chiều 2/12, ông Nguyễn Văn Việt cho biết tên Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm là phương án ưu tiên trong đề án điều chỉnh địa giới hành chính mà huyện trình thành phố và Chính phủ.
Ông Nguyễn Văn Việt: Tên nào được dân đồng ý cao nhất sẽ được lấy để trình các cấp thẩm quyền
Ông Việt giải trình: Tên huyện Từ Liêm có từ thế kỷ thứ VII, mang ý nghĩa đẹp (Từ có nghĩa “người trên yêu thương người dưới”, “tình thương chung”, “xưng mẹ là từ”; Liêm có nghĩa “trong sạch”, “ngay thẳng”, “không ham của người”), xuất phát từ niềm tin, ước vọng, lẽ sống của người dân địa phương muốn để lại cho con cháu.
Tên Từ Liêm gắn với quá trình xây dựng và phát triển của địa phương, đặc biệt từ sau khi huyện Từ Liêm được tái thành lập năm 1961. Tên Từ Liêm được giữ là để cả hai quận mới được kế thừa truyền thống và thành quả phấn đấu của cán bộ và nhân dân huyện.
Cũng có các phương án khác như Từ Liêm - Mỹ Đình, Từ Liêm - Tây Thăng Long, trong đó tên Từ Liêm được ưu tiên cho quận phía Bắc vì là nơi có làng Chèm, nguồn gốc của huyện Từ Liêm ngày nay.
“Có phương án đặt tên quận phía Nam là Mỹ Đình, vì ở đây có trung tâm hội nghị quốc gia và khu liên hợp thể thao”, ông Việt nói. “Nhưng nhân dân các xã khác trong quận thấy việc lấy tên một xã đặt cho quận mới không thỏa đáng”.
“Phương án đặt tên Tây Thăng Long là do quận phía Nam có đại lộ Thăng Long, nhưng nhiều ý kiến thấy lấy tên cố đô đặt cho một quận không xứng tầm”, Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy Từ Liêm cho biết.
Cũng có ý kiến đặt tên hai quận mới là Từ Liêm 1 và Từ Liêm 2, để mở cho việc thành lập các quận Từ Liêm 3, Từ Liêm 4… sau này khi địa phương phát triển và đô thị hóa sâu rộng hơn.
Ông Việt khẳng định các phương án này đều được đưa ra để người dân lựa chọn hoặc góp ý. Tên nào được dân đồng ý cao nhất sẽ được lấy để trình các cấp thẩm quyền.
“Đề án là ý kiến của Đảng, nhưng muốn được lòng dân thì dân chọn gì, ta theo đó”, ông Việt nói.
Vào chiều 6/12, HĐND TP Hà Nội sẽ xem xét, thông qua nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm. Nhưng các vấn đề cụ thể như tên hai quận mới và các phường sẽ chờ quyết định cuối cùng từ Thủ tướng.
Đường Văn Tiến Dũng - trung tâm quận phía Bắc?
Trưởng Ban Tuyên giáo huyện ủy Từ Liêm nhận định: Khi tách huyện thành 2 quận, đương nhiên biên chế công chức sẽ tăng.
“Nhưng là tăng theo quy định pháp luật về biên chế cho các cơ quan Đảng, chính quyền cấp quận. Huyện sẽ trình HĐND thành phố phương án biên chế đủ về số lượng và chất lượng để đảm bảo hiệu quả hoạt động của bộ máy ở hai quận mới”, ông Nguyễn Văn Việt nói.
Việc bố trí lại cán bộ lãnh đạo hiện chưa bàn, song sẽ theo nguyên tắc bất biến là được bầu ở đơn vị hành chính nào thì ở lại làm việc tại đó. “Ví dụ, tôi là đại biểu HĐND huyện thuộc đơn vị bầu cử hai xã Tây Tựu, Minh Khai thì tôi sẽ ở lại làm việc tại quận phía Bắc", ông Việt chia sẻ.
Ông cũng cho biết: Quận phía Nam sẽ sử dụng trụ sở của huyện Từ Liêm hiện nay nằm trên đường Hồ Tùng Mậu. Trụ sở quận ủy, HĐND, UBND và các cơ quan khác của quận phía Bắc sẽ phải xây mới toàn bộ, dự kiến nằm ở mặt đường Văn Tiến Dũng.
Trụ sở huyện Từ Liêm hiện nay sẽ là trụ sở của quận mới phía Bắc
Sau khi có hai quận mới, các giấy tờ công dân như hộ khẩu, chứng minh thư… sẽ được các cơ quan công an, quản lý hành chính điều chỉnh, thu phí theo quy định chung.
“Từ huyện lên quận, giá đất chắn chắn sẽ tăng, nhưng giá đền bù cho người dân cũng tăng”, ông Việt nhận định.
Theo đề án huyện Từ Liêm trình Chính phủ, dự kiến thời gian triển khai việc điều chỉnh địa giới hành chính là đầu quý III năm 2014.
Quận Bắc Từ Liêm sẽ có dân số hơn 319 nghìn người, diện tích hơn 4.335 ha, gồm 13 phường: Thượng Cát, Tây Tựu, Liên Mạc, Thụy Phương, Đông Ngạc 1, Đông Ngạc 2, Xuân Đỉnh 1, Xuân Đỉnh 2, Phú Diễn 1, Phú Diễn 2, Minh Khai, Cổ Nhuế 1, Cổ Nhuế 2.
Quận Nam Từ Liêm sẽ có dân số hơn 233 nghìn người, diện tích hơn 3.227 ha, gồm 10 phường: Mễ Trì, Trung Văn, Tây Mỗ, Đại Mỗ, Phú Đô, Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, Cầu Diễn, Xuân Phương 1, Xuân Phương 2.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: