Lạm phát tính theo năm của Việt Nam trong thời gian qua
Lạm phát tháng 9 tăng 2,2% là bình thường
Trong 11 nhóm hàng hóa của rổ CPI thì có 4 nhóm hàng hóa tăng bất thường. Cụ thể, nhóm hàng hóa Thuốc và dịch vụ y tế tăng 17,02%; Giáo dục tăng 10,5%; Giao thông tăng 3,83%, Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,28%. Dịch vụ y tế tăng khá mạnh từ tháng trước do việc điều chỉnh giá viện phí. Giáo dục tăng mạnh một cách bất thường do điều chỉnh học phí trong tháng nhập học. Còn Giao thông, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng do điều chỉnh giá xăng dầu.
Như vậy, chúng ta thấy 4 nhóm hàng hóa trên đều có một mức tăng trưởng đột biến khá bất thường. Tuy nhiên, xét kỹ thì điều đó là hoàn toàn bình thường vì có thể dự báo trước. Việc điều chỉnh viện phí, học phí hoàn toàn là một chính sách chủ động của Nhà nước. Đối với nhóm hàng Giao thông; Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng do việc điều chỉnh giá xăng dầu cũng là một điều bất khả kháng. Những nhóm hàng hóa còn lại vốn rất nhạy cảm và là một chỉ báo cho lạm phát trước đó lại chỉ tăng ở mức rất thấp.
Với các tỷ trọng trong rổ hàng hóa tính CPI hiện nay thì tổng mức đóng góp vào mức tăng CPI của 4 nhóm hàng hóa nói trên lên tới 2,12% trong tổng số mức tăng 2,2% của tháng 9. Như vậy, 7 nhóm hàng hóa còn lại trung bình chỉ tăng 0,08% trong tháng 9. Sự chênh lệch này cho thấy mức tăng mạnh của CPI trong tháng 9 tuy ở mức cao nhưng về bản chất là một hiện tượng rất bình thường nằm trong xu hướng tăng chung của lạm phát.
Tỷ lệ đóng góp lạm phát trong của các nhóm hàng hóa
5 nhóm hàng hóa bất thường đóng góp phần lớn vào lạm phát trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm
Lạm phát trong 3 tháng còn lại của năm 2012 sẽ không cao
Về mặt lý thuyết, lạm phát chịu tác động bởi 3 yếu tố là cung tiền, cầu kéo và chi phí đẩy. Thực tế kiểm chứng cho thấy lạm phát cao ở Việt Nam trong nhiều năm qua chủ yếu là cung tiền. Lạm phát cầu kéo thường diễn ra vào những tháng trong dịp Tết Âm lịch khi nhu cầu tăng mạnh. Còn lạm phát do nguyên nhân chi phí đẩy thường liên quan đến sự tăng của giá xăng dầu và nguyên liệu. Tuy nhiên hai yếu tố cầu kéo và chi phí đẩy thường chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn.
Đầu tiên ta xét cung tiền, với việc tăng trưởng tín dụng trong 8 tháng đầu năm mới chỉ có 1,4%, còn tăng trưởng cung tiền mới chỉ hơn 10% cho thấy lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế bị co thắt rất mạnh. Đây là lý do giải thích tại sao trong những tháng vừa qua lạm phát thực tế chỉ tăng ở mức khá thấp. Trong 3 tháng còn lại của năm 2012 chắc chắn cung tiền cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều tới lạm phát.
Yếu tố thứ 2 là cầu kéo, tức là nhu cầu mua sắm. Nhu cầu này thường tăng rất mạnh vào 3 tháng cuối năm. Tuy nhiên, với sự suy yếu mạnh của nền kinh tế thì cầu kéo dự kiến năm nay cũng sẽ không mạnh ngay cả trong dịp Tết Dương lịch sắp tới. Do vậy, yếu tố cầu kéo cũng khó tác động mạnh tới lạm phát trong 3 tháng tới.
Yếu tố chi phí đẩy trong ngắn hạn chủ yếu là các yếu tố đầu vào như nguyên liệu, xăng dầu … Hiện nay giá dầu thô đã giảm xuống 91 USD/thùng, giảm 10% so với cách đây 2 tuần và dự báo khó tăng quá xa mốc 100 USD/thùng từ nay đến cuối năm. Giá nguyên vật liệu khác cũng khó tăng mạnh khi kinh tế toàn cầu bị suy yếu. Do vậy yếu tố chi phí đẩy không thực sự đáng lo ngại.
Từ những phân tích đó cho thấy lạm phát trong 3 tháng còn lại sẽ tăng không mạnh. Mức tăng mạnh của CPI tháng 9 vừa qua chỉ là một trường hợp cá biệt. Nó không thể hiện xu thế lạm phát đã tăng mạnh trở lại như lo ngại của không ít chuyên gia kinh tế. Tác giả cho rằng CPI cả năm 2012 sẽ không vượt quá 7%.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: