Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.Hà Nội cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2012 tại Hà Nội tăng đến 2,47% so với tháng 8. Đây là tháng có mức tăng mạnh nhất trong năm và gần bằng mức tăng của 8 tháng cộng lại. Như vậy, sau khi giảm được 2 tháng lạm phát lại có dấu hiệu bùng phát trở lại với con số có thể gây sốc cho không ít người.
Lạm phát tăng mạnh trở lại trong tháng 8, 9
Ngay sau khi con số này được công bố thị trường chứng khoán đã phản ứng rất tiêu cực. Vào giờ giao dịch buổi chiều ngày 18/09 rất nhiều cổ phiếu đã bị bán tháo một cách không thương tiếc. Ngay cả với những cổ phiếu vừa tăng mạnh trước đó cũng nhanh chóng đảo chiều giảm sâu. VN-Index từ mức đi ngang trong phút chốc lao dốc hơn 2%, còn HNX-Index mất hơn 3%. Cảnh tượng chen nhau bán tháo cổ phiếu một cách hoảng loạn lại diễn ra.
Thị trường bất động sản trong những ngày gần đây nhận hàng loạt thông tin tiêu cực. Mọi hi vọng đều dồn vào việc quỹ đầu tư bất động sản, tín dụng nơi lỏng, lãi suất giảm. Hiện tại, Ngân hàng nhà nước cũng không còn đặt giới hạn kiểm soát lĩnh vực bất động sản, các ngân hàng cũng đã dành một gói tín dụng trị giá khoảng 20.000 tỷ đồng để cho vay trên trong lĩnh vực bất động sản. Tuy vậy, có lẽ số tiền này cũng như “muối bỏ bể” khi giá trị hàng tồn kho bất động sản lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, hiện nay lòng tin của giới đầu tư bất động sản cũng đang bị sụt giảm nghiêm trọng, hoạt động đầu cơ gần như biến mất. Rất nhiều dự án bất động sản phải giảm giá mạnh để kích thích nhu cầu thực của người dân.
Nhiều người hi vọng thị trường bất động sản sẽ có cơ hội thoát hiểm khi lãi suất giảm trong thời gian tới. Tuy nhiên, hi vọng này chưa biến thành sự thật thì phải nhận ngay “một gáo nước lạnh” khi lạm phát tăng mạnh trong tháng 8 và bùng nổ trong tháng 9.
Nguyên nhân của lạm phát được cho là sự tăng mạnh của giá xăng dầu, lương thực. Bên cạnh đó giá dịch vụ Y tế và Giáo dục đồng loạt tăng trong tháng vừa rồi. Đặc biệt, việc việc tăng mạnh của lạm phát cũng có liên hệ với việc ngân sách nhà nước trong tháng 7 và tháng 8 được chi tiêu rất mạnh. Chỉ tính riêng trong 2 tháng này thâm hụt ngân sách đã lên tới 55 nghìn tỷ đồng, bằng 50% thâm hụt trong 8 tháng. Việc chi tiêu quá đà để kích thích kinh tế có thể thổi bùng lạm phát tăng trở lại bất kỳ lúc nào.
Như vậy, với việc thời gian gần đây một số ngân hàng tăng lãi suất huy động để hút vốn và lạm phát đã tăng mạnh trở lại thì kỳ vọng việc giảm lãi suất ngày càng xa vời. Không những vậy, các chính sách chi tiêu kích cầu và nới lỏng tiền tệ phải thực hiện thận trọng. Điều này đồng nghĩa với hi vọng về thị trường này sẽ trở lại trong ngắn hạn ngày càng xa vời.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: