Bà cụ xuất hiện làm môi giới lộ kịch bản nâng giá. Ảnh: Kim Đức
1. Có vẻ như đa số chủ quán trà chén ven đường hay các bác xe ôm ở các xã Vạn Phúc, Yên Mỹ, Đông Mỹ, Tứ Hiệp… của huyện Thanh Trì đều là các môi giới địa ốc không chuyên bản địa, dân chuyên ngành gọi là các “cò thổ”. Nhưng Hiếu - một tay môi giới có vẻ chuyên nghiệp ở xã Vạn Phúc nhếch mép bỉ bôi khi nhắc đến các “cò thổ”, cho rằng nhiều người trong số này chỉ thừa nước đục thả câu, chẳng hiểu gì về bất động sản, về pháp lý hay xu hướng giá.
“Nghe theo đám này có ngày mất nghiệp”, Hiếu nói trong khi dẫn phóng viên đi xem một lô đất 200 m2 trên trục đường chính (đoạn vào thôn 1, xã Vạn Phúc) và chốt giá 30 triệu đồng/m2. “Nếu các anh không chốt nhanh, đặt cọc thì lần sau quay lại sẽ không còn giá đấy hoặc không còn đất đâu”, môi giới này chảnh chọe.
Chần chừ vì giá cao, chúng tôi được Hiếu dẫn đến khu đất có diện tích 90 m2, nhưng chỉ 50 m2 là đất thổ cư còn lại là đất vườn ở cạnh đình Vạn Phúc và báo giá 20 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, vừa dừng xe, bất ngờ gặp bà cụ khoảng ngoài 70 tuổi từ khu vườn đi ra nhanh miệng mời chào, “mua đất đi cháu, lô đất này của bà đấy, vừa làm lại cổng, làm rộng thêm đường, trong sổ là 50 m2 đất ở, 40 m2 đất vườn, giá chỉ hơn 900 triệu đồng”.
Dường như xuất hiện tình tiết ngoài kịch bản làm lộ bài thổi giá, nên môi giới tên Hiếu có vẻ kém mặn mà, nói thêm mấy câu rồi rút lui!
Tiếp tục khảo sát ở các xã Tứ Hiệp, Yên Mỹ, các môi giới ở đây cho biết, giá đất còn cao hơn 3 - 5 giá so với Vạn Phúc vì vị trí gần trung tâm Hà Nội, “nhất là xã Yên Mỹ có dự án cầu vượt Ngọc Hồi được quy hoạch xây dựng”, một môi giới quảng cáo.
Tuy nhiên, chỉ bằng động tác vòng lại tìm đến đúng một số chủ đất đã được môi giới dẫn đến, giá đất đã thay đổi một trời, một vực. Theo khảo sát thực tế, giá đất ở tại Thanh Trì thời gian qua tương đối ổn định, tăng bình quân từ 3 - 10% ở các trục đường lớn so với hồi đầu năm, dao động từ 15 - 70 triệu đồng/m2 đất thổ cư. Một số lô đất được xác nhận giao dịch ở xã Vạn Phúc cũng chỉ được sang tay với giá từ 9 - 15 triệu đồng/m2.
2. Theo đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), sau bài học ở Đông Anh, Thạch Thất, Ứng Hòa, nhà đầu tư nên thận trọng khi đón sóng đất Thanh Trì. Ngay từ khi có thông tin lên quận, giá đất ở Thanh Trì và các huyện khác trong quy hoạch đã rộ tin tăng giá. Tuy nhiên, người mua phải rất cẩn trọng, bởi nhiều khi “sốt đất chỉ ở miệng cò”.
Thực tế, ngay cả các dự án chung cư hay liền kề ở Thanh Trì cũng không dễ bán dù giá bán ở mức thấp, chẳng hạn như dự án khu nhà ở xã hội Tứ Hiệp Hồng Hà Eco City, dự án nhà ở xã hội IEC ở Tứ Hiệp do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Điện cơ IEC làm chủ đầu tư… cũng đều chật vật trong việc bán hàng dù giá chỉ hơn 10 triệu đồng/m2. Do vậy, đất thổ cư vốn khá phức tạp về pháp lý không dễ trở thành phân khúc bán chạy với giá cao.
Trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện UBND xã Vạn Phúc cho biết, giao dịch đất thổ cư trên địa bàn không có gì đột biến, chỉ là các nhu cầu thực, người dân mua bán với nhau, hoặc người lao động ở các tỉnh lẻ làm việc ở Hà Nội về đây mua đất vì giá rẻ.
“Do cò đất thổi lên chứ giá tăng cao ở đâu ra, thậm chí nhiều người ở Hà Nội về mua đất từ mấy năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa bán được, đành bỏ đó”, vị này cho hay.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch VARS nhận định, với mức giá 9 - 15 triệu đồng/m2 đất thổ cư như ở Thanh Trì là chấp nhận được, vẫn phù hợp với túi tiền của người dân, thậm chí các nhà đầu tư mới vẫn có cơ hội tham gia. Tuy nhiên, “cần tránh việc mua đuổi, bán đuổi bởi có thể có những giao dịch do cò làm xiếc nhằm đẩy giá lên cao và cuối cùng có thể “thắng” khi đầu tư lô này lại thua nặng hơn khi bám sóng vào những mảnh khác.
“Với các khu vực xuất hiện thông tin quy hoạch, chính quyền và các cơ quan chức năng cần tuyên truyền, thông tin rõ lộ trình quy hoạch và cảnh báo người dân, đồng thời quản lý chặt các hoạt động chuyển nhượng, mua bán đất để đảm bảo an ninh, trật tự địa phương”, ông Đính khuyến cáo.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: