Lãi suất giảm
Các ngân hàng liên tiếp đưa ra những chương trình cho vay lãi suất ưu đãi, lãi suất cho vay thấp nhất chạm mốc 4,5%/năm.
Cụ thể, Agribank đã thông báo giảm thêm 0,3% lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với đại dịch Covid-19.
Với khách hàng SME, Vietcombank sử dụng mức lãi suất cho vay kinh doanh từ 5,9%/năm, áp dụng cho các khoản giải ngân mới từ ngày 13/10/2020. Với khách hàng là cá nhân vay vốn kinh doanh, mức lãi suất cho vay sẽ từ 6,5%/năm.
Tại VPBank, từ nay đến cuối năm, khách hàng là cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình cũng được hỗ trợ cho vay để sản xuất kinh doanh với mức lãi suất ưu đãi từ 5,99%/năm.
Nợ xấu tăng
Theo thống kê báo cáo tài chính quý III/2020 của 16 ngân hàng đã công bố, nợ xấu tăng 31% tương đương 12.000 tỷ lên mức hơn 49.600 tỷ so với hồi đầu năm. Đáng lưu ý là nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn cao nhất) ở nhiều ngân hàng tăng mạnh, có ngân hàng tăng gấp 3 - 4 lần.
Cụ thể, nợ xấu tại Vietcombank tăng 36% so với đầu năm, với gần 7.885 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng mạnh 4,2 lần lên 2.923 tỷ đồng. TPBank có nợ xấu tăng 59% với 1.971 tỷ đồng, nợ nhóm 5 tăng 27% lên hơn 569,5 tỷ đồng. Nợ xấu của ACB là 2.480 tỷ đồng, tăng tới 71% so với đầu năm.
Tuy nhiên, đó vẫn là những con số “lạc quan” do các ngân hàng vẫn được hưởng lợi từ Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước cho phép hoãn, giãn, không chuyển nhóm nợ của doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa, khi thông tư 01 hết hiệu lực từ ngày 31/12/2020, nợ xấu tiềm ẩn nhiều khả năng sẽ tạo ra một cuộc bùng nổ lớn. Báo cáo của SSI ước tính, nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng sẽ tăng thêm 17% trong năm 2020 và 14% trong năm 2021 (so với mức giảm 16,3% của năm 2019).
Để “xử lý” nợ xấu, chi phí dự phòng rủi ro của nhiều ngân hàng tăng mạnh trong quý III/2020. Techcombank đã tăng mức chi phí này lên 2.200 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với con số 605 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2019. VPBank cũng gia tăng chi phí dự phòng hợp nhất thêm 14,4% so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này ở Ngân hàng mẹ đạt gần 30%. MB đã trích lập dự phòng rủi ro 4.193 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ 2019. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn của MB đạt 1.982 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với thời điểm đầu năm, nợ nghi ngờ cũng tăng 13% lên 1.016 tỷ đồng.
… ngân hàng “ngại” cho vay
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 28/9, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 272.115 khách hàng với dư nợ 331.013 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 493.815 khách hàng với dư nợ 1,161 triệu tỷ đồng. NIM của hệ thống ngân hàng đang rất mỏng sau nhiều đợt hạ lãi suất.
Lãi suất giảm gần như đã chạm đáy nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ, nhiều doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận được với nguồn vay. Vấn đề không nằm ở mức lãi suất mà nằm ở khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp. Để đáp ứng đầy đủ các điều kiện của ngân hàng thời này như dự án tốt, điểm tín dụng cao, không nợ xấu... không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.
Phía các ngân hàng dù muốn cho vay nhưng vẫn không thể hạ chuẩn tín dụng, không thì nợ xấu tăng lên, ảnh hưởng đến lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng. Nhất là hiện nay, nợ xấu của các ngân hàng đang ở mức báo động, phải liên tục lấy khoản dự phòng bù vào và đang dần ăn sâu vào lợi nhuận.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: