Đất đai là một trong những lĩnh vực nhạy cảm, đặc biệt nhất là liên quan đến những tiêu cực, tham nhũng. Trong các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng nhất như đất đai, xây dựng cơ bản, hợp tác đầu tư, tài chính, ngân hàng, xuất nhập khẩu, quản lý tài sản công, hải quan, quản lý các doanh nghiệp nhà nước... thì đất đai vẫn là lĩnh vực hàng đầu.
Do cơ chế hay do buông lỏng quản lý?
Cuối thế kỷ XX, bước sang đầu thế kỷ XIX này, tại Hà Nội đã có một sự kiện "đình đám”, xôn xao dư luận cả nước, đó là vụ án "Thuỷ cung Thăng Long”. Một vụ án với việc ra Toà của nhiều chục cán bộ nhà nước, từ cấp Thứ trưởng cho đến các chuyên viên của các bộ ngành Trung ương và thành phố Hà Nội. Vụ án liên quan đến hàng chục cơ quan, nhiều công ty, Tổng công ty, ngân hàng...
Chuyện bắt đầu từ năm 1996 với sự "chạy” của ông giám đốc Công ty TNHH Vạn Thiện, có số vốn chỉ 200 triệu đồng, nhưng đã trở thành chủ đầu tư của một dự án cấp quốc gia lớn với số vốn đầu tư đến hơn 200 tỷ đồng lúc bấy giờ. Từ một dự án ban đầu mong biến 6.900 m2 ao hồ của HTX Quảng An xây dựng thành khu vui chơi, giải trí (dự án ao cá, cây cảnh Thuỳ Dương với số vốn đầu tư hơn 6,5 tỷ), đến dự án Khu du lịch văn hoá thể thao Thăng Long (Thuỷ cung Thăng Long- với 21 ha đất, vốn đầu tư 204 tỷ đồng), ông giám đốc Công ty Vạn Thiện - Lê Tân Cương đã phải chi đút lót cho 2 công ty, 48 cá nhân với số tiền hàng trăm triệu đồng... Mặc dù cuối cùng, chỉ có bị cáo Lê Tân Cương phải chịu hình phạt đến 20 năm tù vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, còn các bị cáo khác chỉ bị phạt từ 6-9 tháng tù, nhiều người thoát tội, nhưng phiên toà đã gây chấn động dư luận lúc bấy giờ.
Sau vụ án Thuỷ cung Thăng Long, có người cho rằng lỗi một phần do cơ chế, tuy nhiên, vấn đề chính vẫn là sự quản lý lỏng lẻo, yếu kém của các cơ quan, của cán bộ nhà nước. Đây không phải là một vụ án chuyên về đất đai, nhưng chính đất đai là khởi nguồn cho mọi yếu tố và tất cả đều liên quan đến tiêu cực, tham nhũng.
Sau Thuỷ cung Thăng Long, người ta đã phát hiện hàng loạt các vụ việc sai phạm, vi phạm liên quan đến đất đai, từ thành thị đến nông thôn, từ tỉnh đến huyện, xã. Sai phạm từ công tác quy hoạch sử dụng đất nói chung cho đến việc sử dụng đất của các cơ quan, tổ chức; các dự án giao đất, cho thuê đất, hay cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Câu kết với đối tượng tiêu cực
Cùng với việc buông lỏng quản lý sử dụng đất đai, nhiều cơ quan, cán bộ đã cấu kết với các đối tượng, thế lực tiêu cực vơ vét, bỏ túi cá nhân. Người ta còn nhớ đến vụ phá rừng Tánh Linh (Bình Thuận). Ông Nguyễn Tăng Thắng, một đảng viên lâm trường đã phải rất kiên trì đấu tranh với các cán bộ, lãnh đạo lâm trường Tánh Linh biến chất câu kết với lâm tặc phá rừng. Cuộc đấu tranh kéo dài gần 10 năm, lãnh đạo địa phương chỉ tin vào báo cáo của kẻ tham nhũng còn tại chức, còn được cho ông Thắng là bôi nhọ lãnh đạo. Ông Thắng đã phải khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương. Thế nhưng, đến cả lãnh đạo ngành lâm nghiệp ở Trung ương cũng không tin ông. Một thân một mình, ông Thắng bị khai trừ Đảng, mất việc làm ở cơ quan, ông phải bán cả nhà để có tiền về Hà Nội. Ông không còn nhớ bao nhiêu lần về Hà Nội, tiếp tục vạch mặt bọn tham nhũng với các lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Bộ Tài nguyên & Môi trường cùng các cơ quan Trung ương, UBND tỉnh Bình Thuận đã vào cuộc thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất lâm nghiệp ở Lâm trường Tánh Linh. Qua kiểm tra, thanh tra, đã phát hiện việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất diện tích 1.635 ha đất của lâm trường với các đơn vị để liên kết trồng cao su không phù hợp với quy định của pháp luật. Một số nguyên cán bộ của huyện Tánh Linh đã mạo nhận là cán bộ, công nhân viên lâm trường để được giao khoán đất lâm trường là vi phạm quy định của pháp luật. Cơ quan chức năng xác định tại Tánh Linh đã có 3.367 ha rừng bị tàn pha, 1.302 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Riêng tại xã La Dạ (huyện Hàm Thuận Bắc), Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận đã khai thác 23 ha rừng phòng hộ trái pháp luật. Tại xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam), có 116 trường hợp được giao đất sai quy định của pháp luật, 33 trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai quy định. Tuy nhiên, với những sai phạm này, giám đốc lâm trường cũng chỉ bị cách chức, một số lãnh đạo huyện bị cảnh cáo...
Tất cả... vì túi cá nhân
Trong tiêu cực tham nhũng liên quan đến đất đai, việc các cá nhân, nhất là cán bộ có chức, có quyền, với rất nhiều thủ đoạn, bằng mọi cách để có được đất cho mình, đứng tên vợ, con hay người thân. Cùng với những toà biệt thự lộng lẫy mọc lên đâu đó là những khoảnh đất, lô đất ẩn mình hay đã được bán chác, để thu về tiền, đô la chui vào những tài khoản chỉ có họ mới biết, không bao giờ công khai theo quy định của pháp luật. Chuyện rằng, vào năm 2006-2008, khi Bộ Tài Nguyên & Môi trường thanh tra tại huyện đảo Phú Quốc, đã phát hiện đến 432 trường hợp giao đất sai thẩm quyền, 364 trường hợp giao đất không đúng quy hoạch. Trong 239 hộ được bố trí tái định cư tại khu phố mới có đến 84 hộ không nằm trong diện phải giải toả, có trường hợp đã có đất ở lại được bố trí thêm nhiều lô nữa. Như ông Phó Ban quản lý dự án khu tái định cư được cấp đến 7 lô đất, trong khi một số hộ có đất bị giải toả lại không được cấp đất. Nhiều cán bộ xã, huyện và một số cán bộ tỉnh, thậm chí ngoài tỉnh cũng được giao nhiều đất, giao rồi bán cho người khác. Đặc biệt, nguyên Chủ tịch UBND huyện đảo này, gia đình ông Đỗ Tố được giao đến 27 thửa đất với diện tích 190.663 m2; hay gia đình ông Lê Minh Dũng, nguyên Phó Chủ tịch huyện này cũng được giao 23 thửa đất với diện tích 144.921 m2...
Những trường hợp trên đây có thể coi là những trường hợp điển hình trong việc tiêu cực, tham nhũng liên quan đến đất đai. Tuy nhiên sai phạm, tiêu cực liên quan đến đất đai có muôn hình, vạn trạng. Những trường hợp sai phạm, lộ diện trực tiếp đã đành, còn nhiều trường hợp tham ô, tham nhũng ẩn dưới dạng khác, như phần trăm, phong bì với số tiền lớn...thì chỉ có "trời biết, đất biết và cá nhân kẻ hối lộ và người nhận hối lộ biết” mà thôi.