A7 Tân Mai là một trong nhưng khu tập thể bị xuống cấp trầm trọng nhiều năm qua. Các hộ dân sinh sống tại đây mong mỏi sớm có phương án sửa chữa cụ thể từ phía các cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn, không còn phải sống trong nỗi bất an hàng ngày.
Tình trạng xuống cấp đã kéo dài hơn 10 năm nay. Kể từ tháng 10/2010, Sở Xây dựng Hà Nội đã ra văn bản xếp khu tập thể này vào loại nguy hiểm cấp C, cần ưu tiên cải tạo. Tuy nhiên, từ đó đến nay, dự án cải tạo vẫn ì ạch, chủ đầu tư chưa thống nhất phương án sửa chữa được với người dân.
Nơi đây có 50 hộ dân cùng 200 nhân khẩu. Họ luôn phải sống trong tâm trạng bất an bởi tòa nhà ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.
Khu nhà tập thể A7 Tân Mai, Hà Nội được xây dựng từ năm 1984 theo công nghệ lắp ghép với quy mô 5 tầng và chỉ có duy nhất một cầu thang. Năm 2010, khu vực cầu thang bộ nối từ tầng 1 lên tầng 5 có dấu hiệu tách rời nhau, gây nguy hiểm đến toàn bộ kết cấu khu tập thể. Cũng trong năm đó, khu nhà được lắp ráp giàn giáo thép nhằm gia cố tạm thời.
Ở bất cứ chỗ nào cũng có thể thấy các vết nứt gãy, hở hoác rất to.
Tồn tại đã được hơn 10 năm, hệ thống giàn giáo xuất hiện nhiều chỗ hoen rỉ, cong vênh, phần tường và vách cầu thang ngày càng tách rời nhau.
Những thanh sắt được chằng néo với nhau bằng dây xích để gia cố mảng tường đang há hoác tách ra dần khỏi cột trụ.
Tại các vách cầu thang và tường xuất hiện nhiều vết nứt gãy, nghiêm trọng nhất khoảng 10 cm.
Những lớp vôi bong tróc, trơ phần lõi thép ra ngoài xuất hiện khắp nơi. Sau nhiều lần kiến nghị, người dân nơi đây tỏ ra thất vọng bởi không biết việc cải tạo sẽ giải quyết như thế nào. "Hiện nay, khu nhà vẫn đang tiếp tục xuống cấp. Minh chứng là độ nghiêng ra phía sau ngày càng lớn. Vào năm 2016, một đơn vị đến kiểm tra đã xác định dãy nhà bị nghiêng 14 độ”, người dân giấu tên cho biết.
Ông Nguyễn Quang Gắng (70 tuổi), Tổ trưởng tổ dân phố 15 phường Tân Mai, quản lý khu nhà chia sẻ: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan thẩm quyền, sau đó cũng có những người đến để kiểm định, đánh giá tình trạng xuống cấp của khu nhà thuộc mức độ nguy hiểm cấp C (cao nhất là cấp D). Tuy nhiên, sau khi kiểm định, chúng tôi vẫn không nhận được sự phản hồi nào về phương án cải tạo. Phản ánh rồi lại kiểm tra, quy trình đó đã lặp lại hơn 10 năm nay khiến các hộ dân tại đây thất vọng, bức xúc”.
Những văn bản kiến nghị của người dân cùng sự phản hồi của cơ quan chức năng được ông Gắng giữ lại.
Được biết, quy trình thẩm định liên tục được tiến hành trong thời gian dài kể từ năm 2010 đến năm 2016, phía cơ quan chức năng vẫn đánh giá mức độ nguy hiểm của khu nhà thuộc cấp C. Trong các kết quả thẩm định đều cho thấy mức độ xuống cấp trầm trọng của khu nhà, cần được ưu tiên cải tạo. Nhưng kể từ đó cho đến nay, người dân vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Do bị xuống cấp, phần lớn các hộ dân đã bán hoặc cho thuê lại căn hộ. “Lo lắng về tình trạng này, nhiều gia đình có điều kiện đã di chuyển đi nơi khác. Đến nay, chỉ còn khoảng 21 hộ dân gốc trên tổng số 50 hộ. Số còn lại chỉ vừa chuyển đến vài năm nay”, ông Gắng nói.
Hầu hết người sinh sống tại đây đều đã lớn tuổi, duy trì cuộc sống bằng lương hưu trí thuần túy và thuộc diện nghèo khó.
“Nhìn lên trần nhà chi chít những vết nứt khiến tôi rất bất an. Tôi phải dùng giấy dán tường tạm che lại để đỡ phải nhìn vào nó”, chủ hộ 206 chia sẻ. Người dân nơi đây cũng phải tự bỏ tiền túi để sửa chữa những hư hỏng trong căn hộ của mình. Riêng phần mái và cầu thang của cả khu nhà là diện tích sử dụng chung, không thuộc sở hữu cá nhân, do đó nếu không có sự hỗ trợ của thành phố thì rất khó giải quyết", ông Gắng nói thêm.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: