Những năm qua trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có rất nhiều dự án thủy điện được thực hiện, cùng với đó hàng nghìn hộ dân phải di dời đến nơi ở mới. Để rồi ở những khu tái định cư (TĐC) này phần lớn chưa phù hợp với đời sống và tập quán của người dân.
Thua nơi ở cũ
Tại các xã Trà Giác, Trà Bui, Trà Đốc… huyện Bắc Trà My, nơi chịu ảnh hưởng của thủy điện sông Tranh 2 (TĐST2) đã có 1.196 hộ dân với trên 6.300 khẩu phải di dời đến nơi ở mới. Khác với cam kết của các nhà đầu tư, sau hơn 3 năm ở khu TĐC, hiện đời sống nhân dân vẫn còn rất nhiều khó khăn, nan giải nhất là thiếu nước sinh hoạt, đất sản xuất, nhiều công trình hạ tầng đã xuống cấp trầm trọng.
Mới đây nhất, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Mã Điền Cư - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc - làm trưởng đoàn đã có cuộc khảo sát tại khu TĐC TĐST2. Điều đáng nói, hàng chục hộ dân được khảo sát đều cho rằng điều kiện sinh hoạt ở khu TĐC mới tệ hơn nơi ở cũ. Ông Nguyễn Thế Tài – Bí thư huyện ủy phải kêu lên với đoàn công tác rằng: "Nơi nào có thủy điện là nơi ấy mất đất, môi trường cũng mất, nhưng cái mất lớn nhất là người dân mất niềm tin”. Địa phương cũng cho rằng, từ khi công trình thủy điện hoàn thành đến nay chủ đầu tư chưa có sự phối hợp nào với chính quyền địa phương để giải quyết những vấn đề hậu TĐC.
Trước đó không lâu, Đoàn kiểm tra do ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Sở NN&PTNT làm trưởng đoàn cũng đã có buổi thị sát khu TĐC TĐST2, bởi nhiều hộ dân đã bỏ về nơi ở cũ… Theo khảo sát, hiện có 24/74 hộ dân đã bỏ nhà do Ban Quản lý dự án thủy điện 3 (BQLDATĐ3) xây dựng để quay về nơi ở cũ sinh sống và làm nương rẫy. Ông Quang cho rằng việc cần thiết hiện nay là phải tìm ra phương án hiệu quả nhất để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho các hộ dân. Riêng 24 hộ dân bỏ khu TĐC về nơi ở cũ, theo ông Quang thực tế họ đang có cuộc sống tốt hơn… Ông Quang cho biết, sẽ đề nghị với tỉnh tiến hành khảo sát hiện trạng để đánh giá, tìm nguồn nước sinh hoạt cho dân nhưng phải với phương châm lâu dài và bền vững.
Đời sống người dân nơi TĐC ở các vùng thủy điện Quảng Nam còn nhiều khó khăn
Chỉ là… hứa suông?
Theo lời hứa ban đầu của chủ đầu tư TĐST2, khi đến khu TĐC, thì ngoài đất vườn, đất ở, mỗi hộ sẽ được nhận từ 1 đến 1,5 ha đất sản xuất. Thế nhưng đến nay, hầu hết các hộ TĐC vẫn chưa được giao đất sản xuất vì thế, cuộc sống của họ ngày càng khó khăn. UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã thống nhất chủ trương chuyển đổi mục đích 750 ha đất rừng sản xuất để cấp cho nhân dân, nhưng chủ trương này đến nay vẫn còn nằm trên giấy, do chủ đầu tư chưa tiến hành cấp kinh phí đền bù và giải thửa cho từng hộ.
Ngoài những hộ bỏ về nơi ở cũ, nhiều hộ ở lại phá diện tích đất rừng tự nhiên để lấy đất sản xuất. Ông Hồ Văn Lợi – Chủ tịch UBND xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My cho biết: Tại thôn 6 xã Trà Bui có 40 hộ dân hộ dân được bố trí TĐC ngay trong vùng lõi của rừng tự nhiên. Vì cái ăn trước mắt nhiều hộ dân đã phá rừng để làm nương rẫy. Hiện tại, nhiều diện tích rừng tự nhiên ở đây đã bị người dân biến thành đất sản xuất. Còn ông Hồ Văn Tiến, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trà Bui, cho biết: "Họ xây nhà TĐC cho dân chưa được một năm đã xuống cấp, nhà lại không phù hợp với tập tục nên bà con tự ý dựng chòi hoặc vào rừng đốn gỗ về làm nhà sàn bên cạnh để ở”.
Vì lợi ích của mình, chủ đầu tư TĐST2 đã quên trách nhiệm đối với hàng ngàn hộ dân TĐC. Không chỉ đất sản xuất, mà những hạ tầng thiết yếu ở các khu TĐC mới đưa vào sử dụng vài năm đã xuống cấp trầm trọng. Nhiều tuyến đường giao thông độc đạo bị mưa lũ cuốn trôi, sạt lở. Hầu hết các công trình nước nước sinh hoạt mới sử dụng một năm đã hư hỏng nặng. Người dân ở khu TĐC phải đi bộ 1 đến 2 tiếng để gùi nước. Các cấp chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị với chủ đầu tư về sự xuống cấp của các công trình hạ tầng nhưng vẫn không có sự phản hồi tích cực nào.
Trước hiện trạng trên, để tháo gỡ khó khắc về nước sinh hoạt ở khu TĐC, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My đề xuất nên thống nhất phương án đào giếng cho dân nhưng BQLDATĐ3 phải chịu chi phí.
Thực tế rõ nhất là người dân vùng cao Bắc Trà My, di dời để nhường đất xây dựng công trình thủy điện, giờ đây đời sống của bà con ở các khu TĐC còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, chủ đầu tư chưa tích cực và chủ động phối hợp địa phương để có biện pháp giải quyết.