Năm 1960, Hà Nội khởi công xây dựng khu tập thể Kim Liên. Đây là lần đầu tiên nhà ở được bố trí theo hình thức tiểu khu, có cả hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, sân vận động, cửa hàng bách hóa, hệ thống cấp nước, xử lý nước thải. Ngày nay, tập thể Kim Liên, dù không còn nguyên trạng, nhà ở xuống cấp nhiều, nhưng vẫn có thể thấy được sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của một khu nhà ở quy mô lớn.
Việc xây dựng hạ tầng tại nhiều khu đô thị mới chưa đồng bộ. Ảnh: Bá Hoạt
Từ những năm 2004-2005 đến nay, Hà Nội đã có hàng chục khu đô thị mới, khu nhà ở được xây dựng, đưa vào sử dụng. Không chỉ quy mô 5-7ha mà đã lên tới hàng trăm héc ta, với hàng ngàn căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho hàng vạn người. Ở mặt nào đó, các khu đô thị mới là sự phát triển tất yếu của một đô thị văn minh, nhưng cũng là sự tự hào, là diện mạo mới của một thành phố đang vươn lên mạnh mẽ; nó xóa đi những quan niệm không mấy đẹp về "nhà tập thể cao tầng" và xây dựng một kiểu sinh hoạt cộng đồng hiện đại, phù hợp với đô thị "đất chật, người đông". Tuy nhiên, song hành với nó lại là những vấn đề nan giải đối với chính quyền. Đành rằng, mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng đúng là kinh tế thị trường buộc người ta phải tính toán chuyện thiệt hơn.
Khu đô thị mới lớn về diện tích, hiện đại về quy mô nhưng vẫn thiếu trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, thiếu sân vận động, thiếu trung tâm thương mại… Chủ đầu tư (không còn việc Nhà nước bỏ tiền ra xây dựng nữa) là những doanh nghiệp thường chỉ tập trung làm nhà ở để bán, còn trường học hay công trình hạ tầng xã hội để làm sau vì không sinh lời như nhà ở. Hay nếu có đầu tư trường học thì cũng là trường tư hay trường quốc tế hoành tráng, mang tính chất kinh doanh, với mức học phí chỉ dành cho nhà giàu. Luật bắt buộc, quy hoạch phải có công trình hạ tầng xã hội, nhưng khi triển khai những miếng đất "ngon" đều dành cho biệt thự, nhà liền kề, chung cư cao cấp; còn trường học, nhà trẻ là miếng khó giải phóng mặt bằng, thậm chí chưa biết bao giờ mới giải phóng được mặt bằng. Tình trạng chung ở nhiều khu đô thị mới, kể cả khu đô thị được công nhận "kiểu mẫu" là điều chỉnh quy hoạch vô tội vạ, đất cây xanh, trường học khi quy hoạch được điều chỉnh sang công trình hỗn hợp, nhà ở. Đáng nói hơn là người ta điều chỉnh một cách lặng lẽ, đến khi thấy đất cây xanh mọc lên nhà ở cao tầng, người dân khiếu nại, mới vỡ ra quy hoạch thay đổi từ bao giờ rồi.
Năm nào HĐND TP cũng tổ chức các đoàn giám sát. Lần nào cũng được nghe báo cáo nơi này thiếu trường học, nơi kia thiếu trường học; trẻ em phải đi học trường công xa cả chục cây số… Kỳ họp nào, đại biểu HĐND TP cũng chất vấn, kiến nghị… nhưng dường như giải quyết vấn đề lại quá khó. Chính quyền cũng đau đầu với tình trạng thiếu hạ tầng xã hội trong các khu đô thị mới, bởi hệ lụy kéo theo của nó rất lớn. Không chỉ con, em không có nơi học, phải đi học xa mà còn là quá tải, ùn tắc giao thông. Các đô thị mới trở thành những đô thị "chết" khi hằng ngày dòng người từ các khu đô thị mới vẫn phải ùn ùn vào trung tâm nội đô sinh hoạt, học tập, làm việc. Còn khu đô thị đơn thuần chỉ là nơi nghỉ vào buổi tối.
Hà Nội đang tổng kiểm tra các dự án khu đô thị mới, đợt kiểm tra này không chỉ rà soát lại việc quy hoạch, tiến độ triển khai, việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại khu đô thị mà còn bắt buộc chủ đầu tư lập quy chế quản lý đầu tư theo quy hoạch. TP Hà Nội cũng yêu cầu các khu đô thị mới phải có đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội mới được phép bàn giao nhà ở. Hà Nội tiếp tục hình thành nhiều khu đô thị mới như là một phần tất yếu của đô thị hóa, của sự phát triển, nên không thể để những đô thị mới thành đô thị "chết" vì thiếu hạ tầng xã hội.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: