Năm 2004, chính quyền và nhân dân xã Vị Tân vô cùng phấn khởi khi Dự án Khu dân cư đô thị Liên Minh qui hoạch hoành tráng trên diện tích 34,5ha chính thức khởi động. Với phác thảo không gian kiến trúc một khu đô thị hiện đại, nhà đầu tư là công ty Cổ phần Liên Minh đưa ra kế hoạch 2 năm sẽ hòan thành.
Tuy nhiên, cho tới nay, trừ khu chợ Liên Minh mới đưa vào hoạt động cuối năm 2012 với hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh, hơn chục hạng mục còn lại, nhất là khối chung cư dân sinh với 1.377 căn hộ vẫn còn là bãi đất trống, mặt bằng hạ tầng chưa có gì.
Một góc dự án khu đô thị do công ty Cổ phần Liên Minh làm chủ đầu (Ảnh: Báo Hậu Giang)
“Thi công dự án kéo dài khiến địa phương gặp nhiều khó khăn, nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân phản ánh xã đều yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ nhưng đến nay chỉ có vậy. Điều này cũng ảnh hưởng đến lộ trình triển khai nông thôn mới của xã”, ông Lê Văn Phó, Chủ tịch UBND xã Vị Tân, TP Vị Thanh bộc bạch.
Để có khu đô thị, 117 hộ dân đã phải chịu mức giá đền bù rất thấp, từ 32 triệu đến 45 triệu đồng cho1.000m2 đất. Đổi lại nhà đầu tư cam kết bố trí tái định cư cho bà con, nhất là những hộ bị giải tỏa trắng. Nhưng thực tế hiện tại, nhiều hộ vẫn không được nhận nền tái định cư. Bức xúc hơn là các hộ đăng ký mua nền nhà đã trả xong hơn 70% giá trị, thậm chí có hộ trả tiền toàn bộ số tiền nhưng vẫn không được nhà đầu tư cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như cam kết.
“Hợp đồng mặt bằng tôi đóng đợt 3 phải giao giấy đỏ, quyền sử dụng đất, giao điện nước, nhưng mà từ ngày đóng tới giờ không biết nền đất của tôi nằm ở đâu hết. Phần của tôi là 255 triệu đồng nhưng tôi đóng là 196 triệu rồi mà chưa thấy gì”, ông Trần Văn Hải, người dân phường 4, TP Vị Thanh bức xúc.
Mới đây, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tìm nguyên nhân và đề xuất giải pháp để tỉnh xem xét, tháo gỡ. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, công ty cổ phần Liên Minh đã không tích cực hợp tác, cụ thể là cuộc họp mới nhất với các sở, ngành trong tuần qua doanh nghiệp đã không cử người đến dự. Và như vậy, một dự án phát triển kinh tế trọng điểm với kế hoạch thi công 2 năm lại kéo dài gần 10 năm vẫn đang tồn tại trong nỗi bức xúc của nhiều người.
Hơn 34ha đất nông nghiệp sản xuất 3 vụ lúa mỗi năm lại phải bỏ hoang ngót gần 10 năm trời thật quá lãng phí. Vì sao một dư án mang ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế xã hội vùng nông thôn sâu của tỉnh Hậu Giang lại gây quá nhiều bức xúc trong dân như vậy? Hậu quả thiệt hại kinh tế từ dự án treo kéo dài ở đây một lần nữa cảnh tỉnh chính quyền các địa phương cần thận trọng hơn trong việc lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện các công trình kinh tế trọng điểm của mình.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: