“Ế” từ căn hộ đến nhà phố
Vừa chuyển lên chung cư ở thành phố Thủ Đức được hơn một năm, anh Hồng lại tất bật dọn về căn nhà phố gần đường Nguyễn Thị Định (quận 2 cũ). Nguyên nhân vì căn nhà 2 tầng, diện tích hơn 90m2 của anh rao với giá 17 triệu đồng mỗi tháng nhưng nhiều tháng nay vẫn chưa có người thuê.
Không khó bắt gặp những căn nhà treo biển cho thuê hoặc bán đứt trên các tuyến phố nhộn nhịp của TP.HCM. Ảnh: Thanh Thịnh
“Ban đầu gia đình tôi dọn lên chung cư ở để cho thuê nhà phố làm bếp ăn online với giá gần 20 triệu đồng mỗi tháng, hợp đồng 2 năm. Nhưng dịch bùng phát, hoạt động kinh doanh ế ẩm nên người thuê chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Kể từ khi khách trả nhà, tôi tìm mãi không có người thuê nên đành dọn về lại nhà phố, dành căn hộ để cho thuê”, anh Hồng nói.
Dù căn hộ của anh Hồng có vị trí đẹp, gần khu công nghiệp nhưng việc cho thuê cũng không mấy dễ dàng. Từ giá sàn khoảng 12 triệu đồng mỗi tháng, anh Hồng phải giảm giá chỉ còn 9 triệu đồng mỗi tháng, bao cả phí dịch vụ hàng tháng nhưng cũng mất 4 tháng anh mới tìm được khách thuê.
Không may mắn như anh Hồng, chị Nguyễn Hoài Nam (Tân Bình, TP.HCM) mua một căn hộ ở quận Gò Vấp với kỳ vọng cho người nước ngoài hoặc chuyên gia làm việc trong sân bay Tân Sơn Nhất thuê.
Tuy nhiên, từ thời điểm nhận nhà vào đầu năm 2020 đến nay, trùng với thời điểm dịch Covid-19 xảy ra nên chị không thể cho thuê được. Thu nhập chính từ cửa hàng cho thuê áo cưới giảm sút không đủ trả nợ ngân hàng hàng tháng, chị Nam đành quyết định bán cắt lỗ.
Không chỉ những căn hộ và nhà phố cho thuê riêng lẻ, thị trường căn hộ dịch vụ ở TP.HCM cũng khá đìu hiu trong quý đầu năm khi giá chào thuê trung bình giảm mạnh.
Theo số liệu của của Savills Việt Nam, trong quý 1/2021, giá thuê trung bình ở phân khúc này chỉ đạt 22USD/m2/tháng, giảm 2% theo quý. Trong khi công suất thuê trung bình giảm 2 điểm phần trăm theo quý, chỉ đạt 63%.
Công suất chủ yếu bị ảnh hưởng từ việc hủy hợp đồng dài hạn và nhu cầu ngắn hạn giảm. Để thu hút người thuê mới và duy trì các hợp đồng thuê hiện có, chủ nhà đã cung cấp nhiều ưu đãi hơn như giảm giá thuê, tăng phụ cấp điện nước và miễn phí nâng cấp.
Đất vàng cũng chịu cảnh đìu hiu
Khảo sát trên thị trường cho thấy, không chỉ căn hộ hay nhà phố cho thuê mà mặt bằng ở những khu đất vàng trong khu trung tâm TP.HCM có giá thuê tới hàng trăm triệu đồng mỗi tháng cũng đồng loạt treo bảng cho thuê mặt bằng, hạ giá, sang nhượng khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát.
Từ đầu năm 2020 đến nay, giá thuê nhà phố ở nhiều tuyến đường lớn tại TP.HCM liên tục điều chỉnh giảm. Cá biệt có trường hợp chủ nhà treo biển giảm giá đến 40% để thu hút khách thuê.
Đợt dịch bùng phát lần vào đầu năm 2021 đã đẩy giá thuê nhà phố mặt tiền vào giai đoạn sụt giảm hơn nữa, nhiều nơi chủ nhà phải chia nhỏ diện tích theo sàn với mong muốn dễ cho thuê hơn.
Dù vậy, nhiều căn nhà phố ở những góc ngã tư ngay trong trung tâm TP.HCM trước đây luôn trong tình trạng được săn lùng ráo riết nay cũng rơi vào tình cảnh cửa đóng then cài.
Ngay trong trung tâm quận 1 những dãy nhà mặt tiền đóng cửa, dán chi chít số điện thoại liên hệ bán hoặc cho thuê. Ảnh: Thanh Thịnh
Giới chuyên môn dự báo, tình cảnh ế ẩm của nhà phố mặt tiền cho thuê có thể kéo dài đến hết năm nay. Đặc biệt khi nguồn cung có phần tăng lên vì nhiều khách thuê trả mặt bằng, trong khi nguồn cầu vẫn còn tâm lý e ngại dịch bệnh nên tạm dừng các kế hoạch thuê mới.
Trao đổi với NoiThatXhome.vn, Bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc bộ phận Nghiên Cứu của Savills Việt Nam, cho biết nhà phố khu trung tâm đang đối diện với tình cảnh bị trả lại mặt bằng, chủ nhà liên tục phải tìm khách thuê mới.
Ngoài ra, số lượng trống mặt bằng nhà phố tăng lên vì hầu hết do chủ nhà muốn cho thuê nguyên căn trong khi nhu cầu của khách thuê chỉ muốn thuê một tầng hoặc một tầng lửng thay vì thuê nguyên căn.
Không đưa ra con số thống kê cụ thể về tỷ lệ lấp đầy và giá thuê của mặt bằng nhà phố hiện nay, nhưng đại diện Savills đánh giá đây là cơ hội cho các chuỗi cửa hàng thuê được mặt bằng vị trí đẹp với giá hợp lý.
Cũng theo bà Trang, không chỉ có nhà phố gặp khó mà phân khúc bán lẻ cũng có nhiều khách thuê mới tạm dừng kế hoạch.
“Khi so sánh nhà phố với trung tâm bán lẻ, rõ ràng đối tượng là chủ nhà khác nhau. Trung tâm bán lẻ có sự ràng buộc mạnh hơn, còn nhà phố thì một doanh nghiệp với một cá thể, hợp đồng có nhiều bất lợi hơn cho chủ nhà cho thuê. Đó là lý do trung tâm thương mại hoạt động ổn định hơn. Nhưng dù với phân khúc nào, trong Covid-19 tất cả đều bị ảnh hưởng”, bà Trang nhận định.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: