Nói rõ hơn về những bất cập ấy, ông Cường đưa ra ví dụ, khung giá đất hiện đã nhanh chóng bị lạc hậu so với thị trường. Chính điều này làm hạn chế tính chủ động các địa phương trong việu điều chỉnh bảng giá đất phù hợp với giá thị trường. Ngoài ra, khung giá đất không thể quy định chi tiết, cụ thể nên biên độ giữa giá đất tối đa và tối thiểu có khoảng cách rất lớn.
“Nhìn chung, khung giá đất do Nhà nước ban hành hàng năm không còn nhiều ý nghĩa trong việc khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai,” ông Cường nhận định.
Theo người đứng đầu Cục quản lý Công sản, khung giá đất cần phải loại bỏ. Chính phủ chỉ quy định nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất để Ủy ban Nhân dân các tỉnh ban hành bảng giá đất và quyết định giá đất theo cơ chế thị trường.
Về vấn đề giao đất và cho thuê đất, ông Cường cho rằng, phần lớn hoạt động này vẫn đang theo hình thức chỉ định, chưa thực hiện triệt để theo cơ chế đấu giá, đấu thầu để hướng tới mục tiêu minh bạch hóa, phòng chống tham nhũng.
Đồng ý với việc đấu giá đất nhưng ông Nguyễn Hồng Trường, thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, cần xem xét kỹ mối quan hệ giữa đấu giá và đảm bảo mục tiêu quy hoạch.
“Như thế mới tránh thực trạng có những nơi không có siêu thị nào, có nơi lại có hàng chục siêu thị,” ông Trường nói.
Lối tắt, đi vòng vào thị trường bất động sản
Đại diện Cục quản lý Công sản đưa ra thực tế, chênh lệch giá chuyển nhượng đất lớn nhưng phần nhiều rơi vào túi của tư nhân, ngân sách Nhà nước hầu như không thu được gì.
Một vấn đề nóng khác được bàn luận khá nhiều tại hội thảo là việc sử dụng đất của các cơ quan hành chính sự nghiệp.
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, đang có hiện tượng nhiều cơ quan hành chính đi đường vòng để tham gia vào thị trường bất động sản.
“Chính điều này đã tạo nên sự mù mờ, thiếu minh bạch ở nhiều cơ quan,” ông Võ khẳng định.
Nói thêm về vấn đề này, ông Cường, Cục trưởng Cục quản lý Công sản còn cho rằng, với các đơn vị sự nghiệp, việc giao đất không thu tiền sử dụng đất nên xảy ra tình trạng thiếu trách nhiệm trong quản lý quỹ đất được giao, việc sử dụng đất ở nhiều đơn vị còn lãng phí. Tình trạng đất bị lấn, chiếm, cho thuê, cho mượn mặt bằng sai quy định còn phổ biến.
“Nhiều vị trí đất đẹp, diện tích lớn đều nằm trong tay cơ quan hành chính, tập đoàn tổng công ty Nhà nước,” ông Cường thẳng thắn.
Như thế, trong khi nhiều tổ chức của các thành phần kinh tế khác không có mặt bằng để sản xuất kinh doanh thì nhiều doanh nghiệp có nhiều đất lại cho thuê để kiếm lời.
Đại diện Bộ Tài chính đưa ra giải pháp, với các cơ sở nhà đất bỏ trống, cho mượn, Nhà nước sẽ thu hồi. Trường hợp đất đang được cho thuê thì đơn vị sẽ phải chấm dứt việc cho thuê và sử dụng đúng mục đích, nếu không Nhà nước sẽ thu hồi.
“Với cơ sở nhà đất dôi dư, không có nhu cầu sử dụng thì các cơ quan có thể bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc chuyển mục đích sử dụng,” ông Cường đưa ra ý kiến./.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: