Năm Canh Tý thực sự là một năm đầy khó khăn đối với nền kinh tế nói chung và những người kinh doanh nói riêng. Đến thời điểm cuối năm, tưởng như việc kiểm soát dịch êm xuôi, dân kinh doanh hồ hởi với kỳ vọng gia tăng sức mua dịp cận Tết thì bất ngờ dịch Covid-19 lại ập tới.
Đến tối 5/2, Bộ Y tế thông tin trong nước tiếp tục 19 ca mắc mới Covid-19. Ngoài Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương thì hai tỉnh mới nhất xuất hiện ca bệnh ngoài cộng đồng là Điện Biên, Hà Giang.
Theo báo cáo nhanh của Tổng cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương), diễn biến phức tạp của dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh, mua sắm của người tiêu dùng.
Tại các "điểm nóng" về dịch bệnh, hàng loạt cửa hàng đóng cửa. Tại Hà Nội, theo chỉ thị, tất cả các cửa hàng kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán Bar, quán game trên địa bàn thành phố tạm dừng hoạt động.
Trong khi đó, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống phải có biện pháp giãn cách, phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; dừng các hoạt động lễ hội, sự kiện có tập trung đông người.
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh, mua sắm của người tiêu dùng.
Anh Trung, chủ nhà hàng ở đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) than thở, thông thường thời điểm cuối năm nhà hàng đón rất nhiều đoàn khách tất niên, năm nay hủy gần hết vì dịch.
"Bao nhiêu ngày nay nhân viên ngồi chơi không, trong khi mặt bằng tôi thuê rộng rãi, chi phí vô cùng lớn. Vừa rồi tôi cho anh em về quê ăn Tết sớm hết, đóng cửa quán. Đầu năm phải trả một số tiền mặt bằng rất lớn nhưng vẫn chưa biết xoay xở đâu ra", anh Trung xót xa.
Một cửa hàng kinh doanh đồ uống trên đường Nguyễn Thị Định (Cầu Giấy) với lượng khách đến vắng vẻ vì dịch, buộc phải mở bán thêm cả… ô bán bún riêu án ngữ ngay trước mặt tiền.
Việc đa dạng hóa mặt hàng với hy vọng cửa hàng có thể gia tăng doanh thu, bù đắp phần nào số tiền thuê mặt bằng vô cùng đắt đỏ ở vị trí trung tâm này.
Các cửa hàng phải tối đa hoa doanh thu nhằm bù lại phần nào chi phí mặt bằng đắt đỏ.
Trong khi đó, một quán trà chanh trên đường Nguyễn Phong Sắc thì phải ngậm ngùi đóng cửa, chuyển nơi bán quất cảnh. Đây là một trong những giải pháp tạm thời nhằm "cứu cánh" lúc khó khăn, bù lại chi phí mặt bằng.
Khách vắng vẻ vì dịch, nhiều cửa hàng tìm mọi cách xoay xở để bù lại phần nào chi phí bỏ ra.
Chịu tác động nặng nề không kém các cửa hàng kinh doanh, một số đơn vị cung cấp dịch vụ giáo dục cũng "oằn vai" vì gánh nặng chi phí mặt bằng. Một trường mầm non tư thục tại một chung cư ở Mỗ Lao, Hà Đông phải trả chi phí khoảng nửa tỷ đồng 6 tháng.
Số tiền thuê đắt đỏ lên tới gần trăm triệu đồng mỗi tháng nói trên được chủ trường thực hiện chi trả vào đầu năm. Tuy nhiên, suốt một năm khó khăn, lại cộng thêm đợt dịch vừa bùng phát, chủ trường gần như "kiệt kệ".
Chị này phải viết "tâm thư" kêu gọi phụ huynh cố gắng đóng học phí tháng 2 đầy đủ để dùng số tiền đó đem trả chi phí mặt bằng. Nếu tháng 2 các em nhỏ chưa được đi học, toàn bộ số tiền học này sẽ chuyển sang tháng 3…
Vị trí "vàng", đắc địa… là những lợi thế vô cùng lớn đối với những người làm kinh doanh, dịch vụ. Tuy nhiên khi dịch ập đến, người thuê sẽ vô cùng chật vật, nghĩ đủ cách xoay xở.
Trong bối cảnh dịch diễn biến vô cùng phức tạp, nhiều nơi, nhiều địa phương đã tái khởi động các biện pháp kiểm soát như kêu gọi người dân hạn chế tối đa việc đi lại không cần thiết, hạn chế tụ tập đông người và thực hiện các biện pháp giãn cách an toàn.
2021 là một năm được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn đối với nền kinh tế khi dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: