Thế nhưng, theo đại diện nhiều DN, việc tạm dừng dự án sẽ không khả thi và có thể gây thiệt hại nặng nề cho các DN có dự án bị tạm dừng.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch CTCP Đầu tư Dầu khí Toàn cầu (GP Invest) cho rằng, việc dừng hoặc hoãn dự án nên do DN tự quyết định căn cứ vào tình hình tài chính, chiến lược sắp tới của mình. Nếu DN có đủ tiềm lực tài chính, muốn tiếp tục thực hiện dự án mà bị cơ quan quản lý dùng biện pháp hành chính bắt dừng thì sẽ khiến DN chịu rất nhiều thiệt hại.
Ngay cả việc chuyển dự án nhà thương mại sang nhà ở xã hội, ông Hiệp cho rằng, cũng cần sự tự nguyện của DN. Nhà nước chỉ nên đưa ra những khuyến cáo, chứ không nên áp dụng như một biện pháp hành chính. Mặt khác, theo ông Hiệp, việc chuyển đổi hay tạm dừng dự án nói thì dễ, chứ đi vào thực hiện sẽ rất khó.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tương Như, Tổng giám đốc CTCP Sỹ Ngàn, chủ đầu tư hàng loạt dự án BĐS nghỉ dưỡng đang trong quá trình triển khai, cũng là DN vừa bị đối tác ép phá sản vì mất khả năng thanh toán, cho biết, đối với một dự án BĐS, nếu chỉ giải phóng mặt bằng không thôi, DN có thể đã phải đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Vì thế, nếu dùng biện pháp hành chính ép DN tạm dừng dự án hoặc chuyển đổi mục đích sẽ khiến các đơn vị này chịu nhiều thiệt hại.
Cũng theo ông Như, việc tạm dừng dự án trên thực tế là rất khó, bởi dự án BĐS đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật Đầu tư và Luật Kinh doanh BĐS, nên việc dự án bị tạm dừng hay không là phụ thuộc vào chính DN. Chẳng hạn, Nhà nước có thể rút giấy phép và thu hồi dự án, nếu chủ đầu tư không chịu thực hiện dự án trong thời gian quy định. Nhưng nếu họ vẫn đảm bảo các điều kiện thực hiện dự án thì không thể ép dừng.
Ông Trần Văn Can, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Xây dựng số 5 (Handico 5) thì cho rằng, nếu không thể tiếp tục triển khai dự án, DN sẽ tự động dừng chứ không phải chờ đến ý kiến của Bộ Xây dựng. Hiện lượng hàng tồn kho nhiều, nên DN làm ra cũng khó bán. Trong khi đó, nếu muốn làm tiếp thì phải có tiền. Mà tiền thì hiện nhiều DN không có nên nhiều DN đang tự tạm dừng dự án, chứ không phải do yêu cầu từ cơ quan nào.
Cũng theo ông Can, các dự án nhà ở đang phát triển theo hướng thị trường. Do vậy, Nhà nước nên để thị trường tự điều tiết, thay vì dùng biện pháp hành chính để can thiệp. Trong trường hợp muốn giải quyết lượng hàng tồn kho và gỡ khó cho DN, cái DN cần là được khoanh nợ, giãn nợ, giảm bớt thuế đất và sửa đổi cơ chế để các dự án nhanh chóng được triển khai. Nếu không thực hiện được các yêu cầu bức thiết trên thì việc giải quyết hàng tồn và kêu gọi DN hạ giá bán để giải quyết hàng tồn là rất khó.
Liên quan đến đề xuất tạm dừng dự án của Bộ Xây dựng, ông Doãn Văn Phương, Tổng giám đốc FLC Group cho rằng, đề xuất tạm dừng các dự án chỉ mới giải phóng mặt bằng sẽ khả thi nếu đi kèm với việc tạm dừng, DN được cấp phép kinh doanh tạm thời trên khu đất dự án bị tạm dừng xây dựng, để tránh gây thiệt hại cho DN.
Tuy nhiên, theo ông Phương, các DN cũng ý thức được tình hình còn khó khăn, nên nhiều DN cũng tự tạm dựng các dự án của mình từ lâu, chứ không đợi đến lúc các cơ quan quản lý áp dụng biện pháp hành chính. Bởi ai cũng biết, nếu sản phẩm làm ra mà không bán được thì DN còn thiệt hại hơn là không làm gì. Vì thế, ông Phương cho rằng, để giải quyết lượng hàng tồn, quan trọng vẫn là việc khôi phục niềm tin của nhà đầu tư và các nhà tài trợ vốn. Bởi lượng hàng tồn hiện nay vẫn quá nhỏ, nếu so với nhu cầu thực rất lớn đối với mọi phân khúc BĐS. Vì thế, nếu có thể khôi phục được niềm tin vào thị trường, ông Phương tin rằng, chỉ cần một thời gian rất ngắn, lượng hàng tồn hiện tại sẽ được xã hội hấp thụ hết.
Nếu không thể tiếp tục triển khai dự án, DN sẽ tự động dừng chứ không phải chờ đến ý kiến của Bộ Xây dựng
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: