Xu hướng ngày càng tăng
Tại phiên họp thứ 11 của Ủy Ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cảnh báo, khiếu nại, tố cáo (KNTC) và tranh chấp đất đai có xu hướng ngày càng tăng cả về số lượng cũng như tính chất phức tạp. Tính phức tạp của tranh chấp đất đai, KNTC không chỉ bắt nguồn từ những xung đột gay gắt về lợi ích kinh tế, từ hệ quả của sự quản lý thiếu hiệu quả của cơ quan hành chính nhà nước, sự bất hợp lý và thiếu đồng bộ của hệ thống chính sách, pháp luật đất đai… mà còn do những nguyên nhân có tính lịch sử trong quản lý và sử dụng đất đai qua các thời kỳ.
Chính sách đất đai còn bất cập khiến công tác giải phóng mặt bằng bị chậm trễ, làm tăng chi phí dự án. (Ảnh: TTX)
Theo UBKT Quốc hội, cơ quan được giao tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong giải quyết KNTC của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, từ năm 2003 đến năm 2010, Thanh tra Chính phủ, các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã tiếp nhận và xử lý 1.219.625 đơn thư KNTC, trong đó đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai bình quân các năm chiếm 69,79%.
“Qua giám sát cho thấy, đối với các vụ việc thuộc cơ quan hành chính nhà nước thụ lý giải quyết thì tỷ lệ KNTC đúng và KNTC có đúng, có sai chiếm khoảng 47,8%, có địa phương tỷ lệ này rất cao. Riêng tại tỉnh Quảng Trị cho thấy, trong số các khiếu kiện về các quyết định hành chính về đất đai đã giải quyết thì có khoảng 30% các KNTC đúng, 40% các KNTC vừa đúng vừa sai, 30% KNTC sai. Bên cạnh đó, tỷ lệ khởi kiện đúng và đúng một phần tại Tòa án nhân dân các cấp khoảng 19,5% các vụ được đưa ra xét xử. Qua đó có thể thấy việc KNTC của công dân là có cơ sở, việc ra quyết định hành chính về đất đai của các cấp chính quyền còn nhiều sai sót, nếu không chỉ đạo quyết liệt, giải quyết triệt để sẽ tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, tác động tiêu cực vào niềm tin, tâm lý, hành động của một bộ phận cán bộ và nhân dân đối với chính quyền”, Trưởng đoàn giám sát tối cao Nguyễn Văn Giàu đề xuất.
Xử lý nghiêm người ban hành quyết định sai luật
Theo đoàn giám sát, tình hình KNTC đối với các quyết định hành chính về đất đai có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai có nhiều thay đổi, nhiều quy định chưa sát thực tế, thiếu cụ thể. Các chính sách liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất qua các năm có những thay đổi theo hướng có lợi cho người bị thu hồi đất, nhất là khi Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, Tuy nhiên điều này cũng tạo tâm lý so sánh thiệt hơn giữa người được đền bù trước đây và người được giải quyết sau dẫn đến khiếu nại…
Ngược với đánh giá này, nhiều đại biểu tham gia phiên họp lại cho rằng, gốc rễ vấn đề nằm ở việc ban hành quyết định hành chính của chính quyền địa phương và chính sách hỗ trợ đền bù từ Nhà nước đang có “vấn đề”. Đây chính là nguyên nhân khiến KNTC kéo dài. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho rằng, trong số 70% này, KNTC đúng và đúng một phần 47,8%, cộng với hơn 19% mà ngành Tòa án công bố là hơn 67%. Ít có lĩnh vực nào sai phạm nhiều đến thế. “Gần 70% KNTC đúng nghĩa là cơ quan hành chính sai. Điều này là cực kỳ nguy hiểm”, ông Hiện nhận định.
Tiếp tục dẫn chứng vấn đề này, ông Hiện cho biết thêm, ngoài văn bản ban hành theo quy định của Nhà nước, rất nhiều lĩnh vực giao cho chính quyền địa phương. Qua giám sát cho thấy, có địa phương ban hành tới hàng trăm văn bản hướng dẫn nhưng không có tính thống nhất: như bảng giá đất, thu hồi đất… ngay cả trong một huyện cũng có nhiều văn bản khác nhau. Việc các địa phương ban hành nhiều văn khác nhau thì sai phạm nhiều là điều dễ hiểu. Tuy nhiên trên thực tế, hầu như không thấy vị chủ tịch huyện, tỉnh nào ra hầu tòa vì quyết định hành chính của mình. “Cách thức này làm sao để người ra quyết định hành chính tuân thủ pháp luật được”, ông Hiện nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng cho rằng, báo cáo giám sát chưa nêu được tồn tại hạn chế trong ban hành quyết định hành chính là nguyên nhân sai phạm dẫn đến KNTC. Ông Sơn cho rằng, báo cáo này cần nêu cho được việc ban hành quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai sai ở cấp nào, sai ở đâu, phạm vi nào có nhiều sai phạm… Từ đó chỉ ra trách nhiệm của người ra quyết định ở đâu chứ không thể nói chung chung.
Để giải quyết các quyết định hành chính về đất đai trái pháp luật, đoàn giám sát cũng đề xuất, đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản; hủy bỏ, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản; đính chính văn bản. Bên cạnh đó, nghiêm túc xử lý trách nhiệm đối với người, cơ quan ban hành quyết định không hợp pháp, không hợp lý, không chỉ là kiểm điểm, rút kinh nghiệm nội bộ. Kết quả xử lý văn bản trái luật phải được công bố công khai, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và phải được đăng trên trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành hoặc niêm yết tại trụ sở cơ quan ban hành.
Trong quản lý đất đai, nội dung khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định hành chính chủ yếu tập trung vào việc: - Khiếu nại các quyết định hành chính về thu hồi, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư (chiếm khoảng 70%); - Khiếu nại các quyết định hành chính về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (chiếm khoảng 20%); - Khiếu nại các quyết định hành chính về cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (chiếm khoảng 10%). Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: