Lilama bán nhà khi chưa có giấy phép xây dựng
Trong đơn phản ánh của hàng trăm khách hàng mua nhà tại dự án 52 Lĩnh Nam, căn cứ vào Giấy chứng nhận đầu tư số 01121000205 ngày 26/08/2008 của UBND thành phố Hà Nội, cuối năm 2008, Công ty CP Lilama Hà Nội khởi công dự án “Văn phòng làm việc, trung tâm thương mại và nhà ở hỗn hợp” tại 52 Lĩnh Nam - Hoàng Mai - Hà Nội.
Tòa A được cấp phép xây dựng 27 tầng, tòa B được cấp phép xây dựng 18 tầng và toàn bộ số tầng trên đã được bán cho khách hàng, đóng tiền theo tiến độ.
Tuy nhiên, từ giữa năm 2011, Công ty cổ phần Lilama Hà Nội lấy danh nghĩa chủ trương phân cho cán bộ công nhân viên của công ty những căn hộ thuộc tầng 28-30 tòa nhà A và tầng 19-23 tòa nhà B, đây là những tầng không được cấp phép theo quy định của luật xây dựng. Chủ đầu tư cùng với số cán bộ nhân viên công ty tìm mọi cách bán suất mua nhà ra ngoài. Từ tháng 7 đến tháng 10/2011, do quá tin tưởng vào công ty nhà nước nên khách hàng đã đến trụ sở công ty tại 52 Lĩnh Nam tiến hành nộp tiền, ký hợp đồng mua bán các căn hộ này.
Nhiều tháng qua, dự án 52 Lĩnh Nam luôn trong tình trạng "cửa đóng, then cài" thế này, công trường không một bóng nhân công.
Tuy nhiên, sau khi biết được sự thật những tầng trên chưa được cấp phép xây dựng, khách mua nhà đã tiến hành đối chất với chủ đầu tư. Phía chủ đầu tư thừa nhận chưa có phép, không thể xây dựng được và tìm giải pháp sẽ hoàn trả tiền. Tuy nhiên thời gian trả tiền không được đưa ra cụ thể. Trước sức ép của khách hàng, Lilama Hà Nội xin giải pháp là chuyển những khách hàng mua nhà tầng trên xuống các căn hộ tầng dưới.
Huy động, sử dụng vốn sai mục đích
Đến thời điểm cuối năm 2011, các khách hàng đã mua nhà tại dự án 52 Lĩnh Nam đều nộp từ 60 đến 70% giá trị hợp đồng mua bán. Đến tháng 11/2011, hàng chục khách hàng sau khi nghe lời hứa hẹn của chủ đầu tư đã đồng ý đóng thêm 25% giá trị hợp đồng (trước đó đã đóng 70%) trong khi toà tháp 27 tầng mới xây thô đến tầng 21.
Chiếu theo khoản 1, điều 39 Luật Nhà ở năm 2005 quy định rõ: “Tổng số tiền huy động trước khi bàn giao nhà ở cho người có nhu cầu không vượt quá 70% giá trị nhà ở ghi trong hợp đồng” nhưng Lilama Hà Nội vẫn thu của nhiều khách hàng tới 95% giá trị hợp đồng căn hộ.
Sau đó, dự án 52 Lĩnh Nam bất ngờ ngừng thi công. Mặc dù lãnh đạo Lilama Hà Nội trấn an khách hàng bằng nhiều lời hứa hẹn sẽ hoàn thành dự án vào cuối quý I/2013 và bàn giao căn hộ vào quý I/2014 nhưng hiện tại dự án vẫn "án binh bất động".
Biện minh cho việc không thể thi công tiếp, Lilama Hà Nội thành thật cho biết “do thiếu vốn nên không hoàn thiện được dự án”.
Ông Bình, khách hàng mua nhà tại đây bức xúc: “Với số tiền khách đã đóng như trên, Lilama Hà Nội viện cớ do thiếu vốn triển khai và hoàn thành dự án là không có cơ sở, trừ trường hợp nguồn vốn dùng để triển khai dự án này đã bị lãnh đạo công ty sử dụng sai mục đích vào các lĩnh vực kinh doanh khác. Việc này là đi ngược với các nguyên tắc về huy động vốn để triển khai các dự án bất động sản, có dấu hiệu lừa đảo khách hàng”.
Lãnh đạo của Lilama Hà Nội cũng thừa nhận nguồn vốn thu được từ dự án này công ty đã chuyển sang kinh doanh ở lĩnh vực khác như lắp máy, bất động sản... Chủ đầu tư đưa ra giải pháp tình thế là thoái vốn ở các công ty liên doanh, vay từ ngân hàng và gói cứu trợ của Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam. Với giải pháp này, khách hàng của 52 Lĩnh Nam chỉ còn biết hy vọng trong tình thế bế tắc bởi còn nhiều dự án khác cũng trông chờ vào gói cứu trợ từ Chính phủ.
Theo LS Bùi Quang Hưng, văn phòng luật BQH và cộng sự thì việc chiếm dụng vốn của khách hàng thường xảy ra ở những dự án mà chủ đầu tư năng lực tài chính hạn chế. Ông Hưng cho hay, theo quy định thì khách hàng chỉ phải đóng 70% giá trị hợp đồng, khi bàn giao nhà thì mới phải đóng 30% còn lại.
“Ở đây, ngay trong hợp đồng và trên thực tế chủ đầu tư đã huy động tới 95% là trái quy định. Để bảo vệ quyền lợi của mình, khách hàng có thể kiện và yêu cầu chủ đầu tư trả lãi trong thời gian chiếm dụng này”, LS Hưng tư vấn.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: