Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/6, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) 6 tháng đạt 15,27 tỷ USD, bằng 97,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Ngoài vốn đầu tư theo phương thức góp vốn mua cổ phần giảm, thì cả vốn đầu tư mới và vốn điều chỉnh đều tăng lên trong 6 tháng đầu năm.
Cụ thể, 6 tháng qua có 804 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm gần 43,3% so với cùng kỳ. Dù giảm về số dự án nhưng tổng vốn đăng ký đạt gần 9,55 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ.
Đồng thời có 460 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư giảm 12,5%, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 4,12 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ. Ngoài ra có 1.855 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 55%, tổng giá trị vốn góp đạt gần 1,61 tỷ USD,giảm 54,3% so với cùng kỳ.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 6,98 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 5,34 tỷ USD, chiếm gần 35% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đăng ký đạt 1,15 tỷ USD. Trong đó có 24 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký cấp mới làn 794 triệu USD, 8 lượt dự án điều chỉnh vốn với vốn điều chỉnh 65,87 triệu USD và 51 lượt góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài với 290 triệu USD.
Bất động sản đứng thứ 3 trong danh sách các lĩnh vực thu hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài 6 tháng qua
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư theo phương thức góp vốn mua cổ phần trong 6 tháng đầu năm nay vẫn tiếp tục giảm cả về số lượng lẫn giá trị vốn góp là do đại dịch Covid -19 đã ảnh hưởng lớn đến thị trường M&A trên thế giới nói chung và cả Việt Nam. Đặc thù của M&A cần có sự tham gia trực tiếp tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài. Việc hạn chế di chuyển trong bối cảnh đại dịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng quyết định đầu tư của các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của một số giao dịch M&A lớn trong 6 tháng đầu năm 2020 cũng ảnh hưởng đến việc giảm giá trị M&A trong 6 tháng đầu năm 2021. Mặc dù giảm cả về số lượt góp vốn mua cổ phần cũng như giá trị vốn góp, xong mức độ giảm đang được cải thiện dần.
Nhờ có dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore) với tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD với mục tiêu truyền tải và phân phối điện, sản xuất điện mà Long An trở thành tỉnh dẫn đầu về thu hút FDI trên cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,57 tỷ USD, chiếm 23,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. TP.HCM đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký 1,43 tỷ USD, chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư.
Tính lũy kế đến ngày 20/6/2021, cả nước có 33.787 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 397,89 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 241,1 tỷ USD, bằng 60,6% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 9,24 tỷ USD trong 6 tháng qua, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: