Quốc hội vừa quyết định hoãn thông qua dự án Luật đất đai sửa đổi vào phút cuối, ông có bình luận gì?
- Dự thảo Luật đất đai sửa đổi là một đạo luật quan trọng, có tác động lớn đến đời sống kinh tế, xã hội của đất nước và người dân. Một số nội dung của dự thảo luật có liên quan dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Đây cũng là dự án luật từng bị trì hoãn nhiều lần. Thậm chí khi bàn kế hoạch xây dựng luật của từng năm, cũng có nhiều lần hết rút ra rồi lại đưa vào, lại rút ra. Mà theo đúng chương trình nghị sự dự kiến tại kỳ họp này, thì ngày hôm nay toàn thể QH sẽ biểu quyết thông qua dự án luật.
Về phía cơ quan soạn thảo, phải nói là họ cũng đã chuẩn bị kỹ càng, tiếp thu chỉnh lý theo ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội. Đặc biệt là họ đã soạn ba nghị định hướng dẫn, chỉ đợi QH thông qua sẽ áp dụng. Đây cũng là dự án luật đã được cho ý kiến tại hai kỳ họp Quốc hội đúng theo quy trình....
Dự thảo Luật đất đai sửa đổi là một đạo luật quan trọng. Ảnh: Ngọc Thắng/ HNM
Theo thông lệ lâu nay, với bất cứ dự án luật nào mà Quốc hội đưa ra để biểu quyết thì các ĐBQH luôn luôn tìm hiểu thật kỹ để khi bấm nút không ân hận hay lăn tăn gì.
Với dự án luật đất đai, một dự án rất quan trọng, thì các ĐBQH cũng đã rất thận trọng và công tâm khi xem xét thảo luận để biểu quyết hay không biểu quyết.
Tại phiên họp ở Hội trường vừa rồi, nhiều ý kiến được phát biểu hết sức thẳng thắn, có lý, có tình và cũng đề nghị Quốc hội nên thận trọng. Rất nhiều ĐBQH đã phát hiện ra những khe hở của dự thảo luật, mà nếu thông qua ngay cũng không khắc phục được triệt để những tồn tại bất cập lâu nay.
Dựa trên quan điểm phải đảm bảo hợp lý quyền lợi của cơ quan quản lý, của doanh nghiệp và nhất là tạo thuận lợi cho người dân, rất nhiều ĐBQH đã đề xuất hoãn thông qua luật vào thời điểm này. Mà nên tiếp tục nghiên cứu, để khi thông qua Hiến pháp sửa đổi vào kỳ họp cuối năm thì hãy thông qua Luật đất đai. Các ý kiến này đã được Ủy ban Thường vụ QH chấp thuận, và kết quả là QH quyết định lùi thời gian biểu quyết.
Tôi cho rằng, đây là một bước đi rất thận trọng của Quốc hội. Các ĐBQH cũng đã bày tỏ hết sự thẳng thắn và thể hiện được tinh thần trách nhiệm rất cao của mình.
Vậy tới đây, ban soạn thảo sẽ phải có những bước đi tiếp theo như thế nào để thuyết phục được Quốc hội thông qua dự án luật?
- Trăn trở lớn nhất là nhiều điểm trong dự thảo còn vênh với Hiến pháp năm 1992. Một khi Hiến pháp còn chưa thông qua thì những điểm vênh này vẫn tồn tại nếu QH vẫn cứ thông qua luật trước. Chẳng hạn, về giá đền bù, về việc thu hồi đất với các dự án phát triển kinh tế xã hội. Hoặc là về quy hoạch. Trước kia, quy hoạch đất duy trì ở bốn cấp, nay bỏ đi cấp xã, chỉ còn lại ba cấp. Nhưng nếu như vậy ở cấp huyện vẫn phải thông qua HĐND huyện. Mà Hiến pháp hiện đang thí điểm bỏ HĐND huyện, quận, phường. Đây là một vướng mắc cần giải quyết.
ĐBQH Trần Ngọc Vinh: "Đây là bước đi thận trọng". Ảnh: Lê Anh Dũng
Đặc biệt là quy định về thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế xã hội. Chỗ này phải tính kỹ. Nếu không phân biệt rõ ràng thì đây là một quy định nhập nhèm rất dễ bị lợi dụng. Mà người thiệt thòi nhất chính là người dân mất đất.
Một vấn đề khác mà ĐBQH còn lăn tăng đó giải quyết chuyện tái định cư cho người dân mất đất. Dự thảo luật vẫn chưa giải quyết được thỏa đáng vấn đề này.
Vậy còn câu chuyện sở hữu đất đai, thưa ông?
- Riêng về vấn đề sở hữu đất đai thì Quốc hội đồng tình với quy định hiện nay rồi.
Vậy chỉ khi những điểm nóng trên được giải quyết một cách căn bản thì Quốc hội mới thông qua dự án luật?
- Đúng như vậy. Tôi cho rằng đây là sự thận trọng của Quốc hội.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: