Nhiều dự án nhà ở thương mại dở dang vì không có vốn để triển khai
Chiếm số lượng nhỏ
Nhằm ngăn chặn sự suy giảm nghiêm trọng và không để ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế, mới đây Chính phủ đã quyết tâm triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ thị trường này, trong đó tập trung vào nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, đại diện nhiều chủ đầu tư và chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu chỉ “quan tâm” vào phân khúc này sẽ dẫn tới một số tác động không được như kỳ vọng.
Theo thống kê, các dự án hiện đang và đã thi công với gần 100.000 căn hộ tồn kho không tiêu thụ được, đây là những dự án hầu hết đều không nằm trong phân khúc nhà xã hội nên sẽ không được giải cứu. Còn các dự án chưa triển khai hoặc mới bắt đầu triển khai lại đua nhau xin chia nhỏ căn hộ với diện tích 40 - 75m2. Các chuyên gia lo ngại, việc này “sẽ để lại hệ lụy rất lớn đối với vấn đề quy hoạch cũng như quản lý phát triển đô thị” trong thời gian tới.
“Chiếm số lượng nhỏ trên tổng số lượng hàng tồn kho của thị trường BĐS, nếu quá chú tâm giải cứu cho phân khúc này có thể dẫn tới thất thu ngân sách và khó có thể tác động đến tổng thể thị trường - đại diện một chủ đầu tư bày tỏ - trong khi đó, lợi nhuận đầu tư xây dựng nhà ở xã hội rất thấp nên không thể hấp dẫn các doanh nghiệp.
Thực tế, lượng hàng tồn kho tại các dự án BĐS hiện nay đã hiện hữu rất lớn sẽ không được giải cứu kéo theo đó là hàng trăm nghìn tỷ đồng nợ xấu của các chủ đầu tư dự án, nhà thầu xây dựng, đơn vị cung cấp nguyên vật liệu”.
Giải quyết “cục máu đông” bằng cách nào?
Theo đánh giá, hiện nay lượng tiền nhàn rỗi trong người dân còn rất lớn, thể hiện qua việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục giảm lãi suất tiết kiệm nhưng lượng tiền gửi liên tục tăng tăng cao. Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những lý do khách hàng vẫn chưa “xuống tiền” mua nhà là do mất lòng tin vào các kênh đầu tư, vào các chính sách hỗ trợ nửa vời...
Để "hâm nóng" thị trường và tạo niềm tin cho khách hàng, theo ông Lê Trung Khiêm, Giám đốc chi nhánh Hà Nội của Công ty TNHH Thương Mại – Quảng cáo – Xây dựng địa ốc Việt Hân, Chính phủ phải có biện pháp cụ thể với những cam kết rõ ràng, chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) đẩy mạnh cho vay mua nhà và hỗ trợ lãi suất từ ngân sách là 2%/năm, áp dụng cho thời hạn 5 năm.
Ông Khiêm tính toán, số hàng tồn kho căn hộ để bán lên đến 70.000 căn theo thống kê, nếu trung bình khoảng 2 tỷ đồng mỗi căn thì số vốn đang “chết” khoảng 140.000 tỷ đồng, đó là chưa kể số hàng tồn ở mảng biệt thự, liền kề.
140.000 tỷ đồng nói trên, để tiêu thụ hết lượng hàng tồn này, khi áp dụng tỷ lệ cho vay thông thường tại các tổ chức tín dụng là 70% thì quy mô gói vay hỗ trợ của hệ thống ngân hàng là khoảng 100.000 tỷ đồng, còn lại là phần vốn góp từ khách hàng. Mức hỗ trợ lãi suất là 2%/năm cho gói hỗ trợ 100.000 tỷ đồng là 2.000 tỷ đồng, thực hiện trong vòng 5 năm thì tổng số tiền hỗ trợ lãi suất là 10.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, thuế VAT thu cho ngân sách từ việc tiêu thụ lượng hàng tồn kho trên là 7.000 tỷ đồng (nếu giảm mức thuế VAT xuống còn 5%) và thuế thu nhập doanh nghiệp dự thu đối với các doanh nghiệp BĐS tiêu thụ được lượng sản phẩm tồn kho nói trên là 4.200 tỷ đồng (tỷ suất lợi nhuận trung bình dự kiến là 12%). Như vậy, phần thu ngân sách bao gồm thu thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp BĐS vẫn thừa đảm bảo bù đắp được phần chi cho gói hỗ trợ lãi suất.
“Chỉ cần Chính phủ áp dụng biện pháp này trong thời gian từ 6 - 9 tháng là sẽ có tác động ngay tới nhu cầu mua nhà của người dân. Khi chính sách được khơi thông và người dân yên tâm với các gói hỗ trợ, đó sẽ là cơ hội tận dụng nguồn lực lớn vốn trong dân, đồng thời khôi phục lại niềm tin của các nhà đầu tư và quan trọng nhất là giải quyết được hàng trăm nghìn tỷ đồng nợ xấu tại các ngân hàng”, ông Khiêm, chia sẻ.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: