Ý tưởng thành lập TP Tây Bắc do Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM (HoREA) đề xuất được nhiều cơ quan truyền thông đưa tin và có nhiều ý kiến trái chiều. Để hiểu rõ hơn về ý tưởng đề xuất này, Pháp Luật TP.HCM đã có buổi trao đổi với ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA.
Đề xuất quy hoạch TP Tây Bắc được hình thành trên cơ sở hai huyện Củ Chi và Hóc Môn. Đồ họa: HỒ TRANG
Đề xuất quy hoạch TP Tây Bắc từ Củ Chi, Hóc Môn
. Phóng viên: Hiện đang có thông tin HoREA nêu ý tưởng về thành lập TP Tây Bắc, xin ông cho biết ý tưởng này xuất phát từ đâu?
+ Ông Lê Hoàng Châu: Vừa qua, HoREA có văn bản góp ý kiến Báo cáo rà soát, đánh giá đồ án quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. HoREA có đề nghị nghiên cứu bổ sung quy hoạch về giao thông, đô thị.
Trong đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy hoạch “TP Tây Bắc” trên cơ sở không gian hai huyện Củ Chi, Hóc Môn hiện nay. Từ đó định hướng phát triển đô thị bền vững, ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Có thể thấy những ý tưởng của chuyên gia thì còn có những ý tưởng xa hơn. Chúng ta phải đặt đề xuất ý tưởng này trên tầm nhìn, đây là tầm nhìn cho quy hoạch chung, mục tiêu là thực hiện trong giai đoạn 2040-2060, từ 20 đến 40 năm tới.
Với tầm nhìn đó, chúng ta không thể lấy hiện tại để đánh giá được. Mình phải có cái nhìn thoát ra hiện tại, “bay bổng” một chút.
. Đề xuất là cho quy hoạch trong tương lai nhưng ông có thể cho biết hiện nay căn cứ vào đâu để nêu ra ý tưởng đó, có nghiên cứu hay khảo sát cụ thể không?
+ Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6-1-2010 của Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 có xác định hai hướng chính phát triển TP là hướng đông và hướng nam ra biển và hai hướng phụ là hướng tây bắc và hướng tây tây nam.
Tuy nhiên, trước nguy cơ bị tác động rất lớn của tình trạng biến đổi khí hậu, toàn cầu ấm lên, nước biển dâng và đặc điểm cao độ địa hình, địa chất của TP.HCM, hiệp hội đề nghị xác định trục phát triển đô thị đối với TP.HCM cần trên bốn hướng. Bốn hướng này gồm: Đông (TP Thủ Đức), nam (hướng ra biển), tây nắc và hướng tây tây nam.
Nói chung, trước đây TP muốn phát triển nhanh nên chọn trục phát triển hướng đông và hướng đông nam ra biển. Tuy nhiên, trong 10 năm nay nổi lên biến đổi khí hậu, Trái đất ấm lên, nước biển dâng; trong 50 năm, 100 năm tới thì nước biển dâng tác động như thế nào với TP.HCM.
Chúng ta phải ứng phó, điều đó liên quan đến hướng phát triển chính về đô thị của TP, phải bổ sung hai hướng, không phải là hướng phụ mà là hướng chính. Phát triển như vậy, TP.HCM sẽ cân bằng hơn.
Có thể đưa ra viễn cảnh TP Tây Bắc
. Nếu quận Thủ Đức trước đây là quận Thủ Đức, quận 2, quận 9 tách ra và giờ gộp lại thành TP Thủ Đức thì phía tây bắc có những thuận lợi địa - chính trị như thế nào?
+ Về không gian, lịch sử, văn hóa, địa lý thì quận 12 trước đây cũng là một phần của huyện Hóc Môn cũ, quận 12 và Hóc Môn là một.
Ngoài ra, cư dân của khu vực Hóc Môn, Củ Chi, Trảng Bàng (Tây Ninh) là cư dân có cội nguồn giống nhau. Phần lớn họ là người dân nhập cư giai đoạn đầu tiên ở phía Nam này.
Thành ra chúng ta nên tính đến chuyện hình thành TP Tây Bắc, đây là một cực phát triển của TP. TP cũng đã “thai nghén” điều này thông qua dự án Khu đô thị công nghiệp Tây Bắc nhưng quy hoạch chi tiết khu vực đó chưa được phù hợp lắm.
. Ông có thể cho biết những thuận lợi của khu vực này nếu ý tưởng thành lập TP Tây Bắc là cần thiết?
+ Ngoài quy hoạch về mặt không gian đô thị còn có quy hoạch các ngành chức năng, trong đó phải kể đến giao thông thuận lợi. Điển hình như đã có đề xuất làm đại lộ ven sông Sài Gòn, Chính phủ cũng đã phê duyệt đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đường Xuyên Á, rồi mở rộng quốc lộ 22, tuyến metro Bến Thành - Tham Lương…
Nếu tầm nhìn vượt ra khỏi ranh giới hành chính thì khu này còn giáp Trảng Bàng (Tây Ninh), Long An. Tuy nhiên, điều kiện để phát triển thì phải có tầm nhìn về quy hoạch, định hướng quy hoạch, quy hoạch chung thì phải có quy hoạch chi tiết. Quy hoạch chung thì có quy hoạch tỉ lệ 1/10.000, 1/5.000, quy hoạch phân khu 1/2.000. Có các quy hoạch đó thì mới có điều kiện chi tiết để thu hút đầu tư.
Thuận lợi nữa là Khu đô thị Tây Bắc hiện có quy hoạch, trong 9.000 ha đó thì có 900 ha là Hóc Môn và khoảng 8.000 ha thuộc Củ Chi. Trên Củ Chi có BV Xuyên Á, có các khu công nghiệp chuyển đổi thành khu công nghiệp sạch, Khu du lịch Bến Dược, khu Safari (400 ha), còn kết nối Bến Cát, khu vực Bình Phước, Long An…
Điều chỉnh quy hoạch chung, độ dài quy hoạch 20-40 năm thì chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra viễn cảnh TP Tây Bắc vậy.
. Xin cám ơn ông.•
Phát triển bốn huyện ngoại thành lên quậnHuyện Củ Chi nằm về phía tây bắc TP.HCM, cách trung tâm TP khoảng 33 km. Huyện có diện tích 434,77 km², dân số năm 2019 là 462.047 người, mật độ dân số đạt 1.063 người/km². Độ cao trung bình so với mặt nước biển 8-10 m. Nằm ở cửa ngõ của TP.HCM, huyện Hóc Môn có diện tích 109,17 km², dân số năm 2019 là 542.243 người, mật độ dân số đạt 4.967 người/km². Cuối năm ngoái, TP.HCM cũng xác định đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060, xây dựng bốn huyện ngoại thành phát triển thành quận gồm Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè và Bình Chánh. |
Phát triển Tây Bắc là cần thiếtTP.HCM phát triển về hướng bắc kết nối với các tỉnh miền Trung, phát triển về phía nam để kết nối với các tỉnh ĐBSCL, chúng ta còn vùng tây bắc nhưng sự phát triển vùng này còn lắng đọng, không mạnh mẽ. Lý do là các khu vực kia nằm thuận lợi trên các trục giao thông phát triển, còn khu Tây Bắc, 5-10 năm có đề xuất quy hoạch khu đô thị 6.000-9.000 ha nhưng chưa có động lực phát triển. Vùng Tây Bắc có địa chất tốt, vùng này cũng có tuyến Xuyên Á, sẽ kết nối các quốc gia, hàng hóa đi lại dễ dàng, vừa mang ý nghĩa quốc phòng, kinh tế, vừa có lợi cho cư dân. Do đó, phát triển khu Tây Bắc là cần thiết, đợi tới 40 năm thì tôi cho rằng quá lâu, vì chúng ta làm bây giờ thì còn điều chỉnh quy hoạch là vừa. TP nên làm hạ tầng, tạo động lực phát triển, các tuyến xuyên tâm lên đó thì chúng ta mới giảm mật độ dân số, giao thông, ô nhiễm… cho trung tâm. Ví dụ, nếu khu Tây Bắc có trường đại học chất lượng thì sẽ thu hút người Campuchia qua Việt Nam học, tại sao người Campuchia qua Thái Lan học mà không thể qua Việt Nam học? Khu vực đó nếu có cơ sở, đội ngũ y tế tốt thì thu hút cả nước bạn qua thăm khám. KTS KHƯƠNG VĂN MƯỜI, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Chưa nên bàn đến TP Tây BắcVề định hướng lâu dài, TP mong muốn làm đô thị trung tâm, rồi đô thị Đông - Tây - Nam - Bắc nhưng tôi nghĩ cái này cần có thời gian. Dự án TP trong TP chưa có tiền lệ, chúng ta cần có nghiên cứu sâu, định hướng chung có thể khả thi nhưng cần tập trung nguồn lực đi từng bước, không nên xới ra nhiều quá, không làm nổi. Từ kinh nghiệm TP Thủ Đức, TP mới xem xét có nên nhân rộng mô hình đó hay không. Ví dụ, nguồn lực, mô hình quản lý ở TP Thủ Đức vẫn còn chưa xác định. Vì vậy, trong hoàn cảnh này, việc phát triển các đô thị khác TP chưa nên tính đến. Theo tôi, hiện nay chúng ta nên bàn về phát triển TP Thủ Đức, chưa nên bàn về thành lập TP Tây Bắc. Tất nhiên, khu Tây Bắc cao thì phát triển khu đô thị tốt nhưng vấn đề đặt ra là dàn trải thì tiền đâu mà làm? KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN, chuyên gia quy hoạch đô thị Hiểu đúng để hạn chế rủi roChắc chắn khi một thông tin quy hoạch được nêu ra thì sẽ tạo ra sự quan tâm của nhiều thành phần thị trường. Theo tôi, mỗi khi có một ý tưởng, đề xuất quy hoạch được nêu ra thì chúng ta cần hiểu đúng để tối thiểu rủi ro, không chạy theo những tin đồn thổi khi quy hoạch chưa được phê duyệt. Sau đó, chúng ta cần xác định mục tiêu, chiến lược đầu tư để tối ưu lợi nhuận, không chạy theo đám đông, không hùa theo sóng. Thị trường BĐS cũng đang khan hiếm nguồn cung BĐS bình dân cho người thu nhập thấp. Nếu được quy hoạch TP Tây Bắc nên ưu tiên dành thị trường BĐS cho nhóm dân cư thu nhập trung bình thấp. Trong khi đó, khu Đông tập trung các dự án trung, cao cấp, cách tổ chức này cũng phù hợp. NGUYỄN HOÀNG VIỆT, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP) - một đơn vị phát triển và phân phối BĐS |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: